Mỹ gia hạn miễn trừ thuế quan với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo USTR, quyết định gia hạn sẽ giúp điều chỉnh thêm việc xem xét lại những trường hợp được miễn trừ trong khuôn khổ thỏa thuận từ thời cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt theo Mục 301.

Ngày 16/12, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) thông báo sẽ kéo dài thêm 9 tháng thời gian miễn trừ thuế quan đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn sẽ hết hạn vào ngày 31/12.

Các mặt hàng được miễn trừ thuế quan liên quan đến các sản phẩm phải chịu thuế theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ năm 1974.

Các mặt hàng này bao gồm nhiều loại linh kiện sản xuất và hàng tiêu dùng, từ các linh kiện trên màn hình tivi đến ba lô, xe đạp, máy bơm, động cơ điện, một số bộ phận lắp ráp ôtô, máy hút bụi, hóa chất.

Theo USTR, quyết định gia hạn sẽ giúp điều chỉnh thêm việc xem xét lại những trường hợp được miễn trừ này trong khuôn khổ cuộc đánh giá toàn diện 4 năm đang diễn ra về các mức thuế mà chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt theo Mục 301.

Điều khoản này cho phép Tổng thống Mỹ áp thuế và các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác khi một nước thực hiện các quy tắc thương mại không công bằng, gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của Mỹ.

USTR cho biết sẽ thu thập ý kiến trong quá trình đánh giá lại chính sách thuế quan đến hết ngày 17/1/2023.

Quảng cáo

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khôi phục miễn trừ thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với 352 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã được miễn trừ trước đây và hầu hết đều hết hạn vào cuối năm 2020.

Quyết định gia hạn này có hiệu lực từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12/2022, sau khi USTR lấy ý kiến công chúng vào cuối năm 2021 về việc liệu có khôi phục miễn trừ thuế quan đối với 549 nhóm sản phẩm từ Trung Quốc hay không.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ước tính trị giá 370 tỷ USD, từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử, xe đạp và thậm chí cả thức ăn cho gia súc, sau một cuộc điều tra về vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các doanh nghiệp và tập đoàn thương mại lớn của Mỹ đã kêu gọi USTR loại bỏ các mức thuế quan đối với một loạt sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm máy bay không người lái, robot, máy tính cá nhân và máy in 3D.

Cựu Tổng thống Trump đã ký Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 1/2020.

Thỏa thuận này giúp xoa dịu cuộc chiến thương mại kéo dài gần 18 tháng giữa hai nước, ảnh hưởng tới hoạt động trao đổi hàng hóa giữa hai nước trị giá hàng trăm tỷ USD do cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng."

Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết trong vòng 2 năm sẽ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017.

Theo Vietnamplus Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Goldman Sachs: Thuế mới có thể khiến các công ty nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD/năm

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ngày 21/2 cho biết kế hoạch áp thuế 10% đối với dầu nhập khẩu của Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất nước ngoài thiệt hại 10 tỷ USD mỗi năm.

Goldman Sachs: Các thương vụ "khủng" sẽ tăng tốc trong năm tới Goldman Sachs: Mỹ có thể sẽ chỉ áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

FDI toàn cầu tăng lên mức kỷ lục 41.000 tỷ USD, Mỹ dẫn đầu trong thu hút FDI

Theo khảo sát đầu tư trực tiếp mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đã tăng trở lại trong năm 2023 sau khi giảm vào năm trước đó. FDI đã tăng 1,75 nghìn tỷ USD, hay 4,4%, đạt mức kỷ lục 41 nghìn tỷ USD.

Việt Nam thu hút gần 31,4 tỷ USD vốn FDI trong 11 tháng Việt Nam thu hút hơn 4,3 tỷ USD vốn FDI trong tháng đầu năm 2025