Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á dù đã có những phiên bị chốt lời khá mạnh nhưng xu hướng chung vẫn duy trì được sự tích cực. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan sau nhịp giảm đã cùng lấy lại sắc xanh như NIKKEI 225 (+0,2%), TWSE (+0,49%), KOSPI (+0,18%).
Thị trường Việt Nam cũng đón sắc xanh trở lại sau 4 phiên giảm gần 14 điểm. Tuy nhiên, đường đi của chỉ số vẫn còn nhiều chông gai khi VN-Index dễ dàng bị mất gần hết thành quả tăng về cuối phiên dù đã có thời điểm tăng hơn 10 điểm.
Chất xúc tác
Ngoài các yếu tố quen thuộc có thể ảnh hưởng tới dòng tiền, trong tuần này sự kiện đáo hạn phái sinh tháng 7/2024 cũng có thể là một biến số khiến dòng tiền biến động khó lường. Đặc biệt, khối lượng mở của hợp đồng tương lai VN30F2407 sau phiên 15/7 vẫn còn khá lớn, đạt gần 52.000 đơn vị nên sẽ khiến cho nhóm VN30 nhiễu động.
Theo thống kê, khớp lệnh của HOSE phiên hôm nay đã tăng trở lại 34,4% lên 637 triệu đơn vị, vượt qua mức bình quân 20 phiên gần nhất. So với 4 phiên trước liên tục suy giảm về thanh khoản, đây là dấu hiệu dòng tiền có thể được bổ sung.
Trong khi đó, nhà đầu tư ngoại cũng giảm cả ảnh hưởng lẫn quy mô bán ròng trên HOSE xuống. Khối này chỉ còn chiếm 9,7% tổng giao dịch 2 chiều và bán ròng hơn 240 tỷ đồng. Trong đó, MWG (-148 tỷ đồng) là cổ phiếu duy nhất bị bán ròng trên 100 tỷ đồng và chiều ngược lại các mã NLG (+81,51 tỷ đồng), FPT (+61,27 tỷ đồng), TCB (+40 tỷ đồng) đã được giải ngân tương đối tốt.
Hiện tỷ giá USD đang thuận lợi hơn sau khi chỉ số DXY đã về quanh mốc 104 điểm. Giá bán USD trên thị trường tự do đã xuống dưới 25.700 VND/USD.
Vận động thị trường
Điểm nhấn của thị trường là các cổ phiếu Ngân hàng đã quay trở lại mạnh mẽ hơn sau các phiên giao dịch thờ ơ như MBB (+2,2%), BID (+1,3%), VPB (+1,1%), HDB (+1,4%), CTG (+1,2%). Theo chia sẻ từ nhà phân tích tại một CTCK lớn, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của ngành Ngân hàng có thể tốt hơn kỳ vọng trong đó MBB , ACB, TCB có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng hơn 9%, còn nhóm Big4 tăng trưởng dao động quanh mức 5%.
Đã có thời điểm trong phiên VN-Index hưởng lợi từ đóng góp của Ngân hàng với biên độ tăng hơn 10 điểm. Tuy nhiên, đà tăng vẫn bị ghìm lại khiến cho nhiều mã của ngành bị hao hụt thành quả.
Ngoài ra, mặt trái là dòng tiền cũng bị rút ra ở các nhóm cổ phiếu khác. Các mã HVN, SMC đã bị "đạp sàn" cuối phiên giao dịch trong khi các mã VND (-1,54%) và một số cổ phiếu Bất động sản như NVL (-4,55%), DXG (-2,45%), PDR (-3,24%) bị buộc phải dò đáy thêm.
Thị trường vẫn có những trường hợp cá biệt như DHG (+6,92%), DCL (+6,94%), HTG (+6,94%), SIP (+4,95%), SBT (+3,16%), TIP (+4,3%) đi "ngược chiều" tuy nhiên quy mô thanh khoản đều khá hạn chế khiến cho số đông nhà đầu tư khó tham gia.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,36 điểm lên 1.281,18 điểm (+0,11%). Thanh khoản sàn đạt 684,2 triệu đơn vị, tương đương 16.409 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,03% lên 244,91 điểm, giao dịch đạt 61,57 triệu đơn vị, tương đương 1.206 tỷ đồng. Còn UPCoM-Index tăng 0,32% lên 98,23 điểm. Thanh khoản đạt 62,39 triệu đơn vị, tương đương 1.326 tỷ đồng.