Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất VN30
Tới hết phiên giao dịch ngày 15/7, cổ phiếu đạt thành tích tăng giá mạnh nhất trong rổ VN30 là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với thị giá đã tăng trưởng 81,6% từ đầu năm 2024. Đây là một thống kê khá bất ngờ bởi GVR đã xếp trên cả cổ phiếu FPT của CTCP FPT.
Thực tế, GVR đã có phần bị lu mờ trước FPT kể từ tháng 4/2024, giai đoạn ông lớn Công nghệ đã liên tục phá kỷ lục giá để vươn lên trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 3 sàn HOSE (195,4 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, GVR lại phải trải qua một nhịp điều chỉnh khá mạnh khi có thời điểm giảm gần 25% từ mức giá cao nhất 2 năm.
Đây là một thử thách không hề dễ chịu với nhiều nhà đầu tư trên thị trường nhưng lại rất cần thiết sau khi GVR đã trải qua giai đoạn tăng sớm nhất và ấn tượng trong rổ VN30 kể từ cuối năm 2023.
Dù sao, những nhà đầu tư kiên nhẫn với GVR đã được đền đáp khi cổ phiếu đã bứt phá thành công khỏi vùng giá 36.000 đồng/cổ phiếu trong những phiên giao dịch nửa đầu tháng 7/2024.
Với việc rủ bỏ thành công, GVR đang đứng trước cơ hội hướng đến kỷ lục thời đại. Theo thống kê, chênh lệch thị giá so với mức giá kỷ lục 41.430 đồng/cổ phiếu chưa đến 7%.
Triển vọng từ cây cao su và chuyển đổi sang đất khu công nghiệp
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được thành lập từ năm 1975 nhưng chỉ bắt đầu hoạt động theo mô hình Công ty Cổ phần từ ngày 1/6/2018. GVR hiện quản lý 394.782 ha diện tích trồng cao su, sản lượng bình quân 500.000 tấn cao su/năm - chiếm 30% tổng sản lượng cao su Việt Nam. Ngoài ra, Công ty hiện có 5 công ty sản xuất sản phẩm công nghiệp, 18 nhà máy sản xuất gỗ cao su, MDF và phát triển 11 KCN tại các công ty con, công ty liên kết.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, ban lãnh đạo cho biết, GVR đạt khoảng 7,12 nghìn tỷ đồng doanh thu, tương đương 28,5% kế hoạch năm của công ty. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.108 tỷ đồng (+32%), hoàn thành 32,2% kế hoạch năm của công ty. Kết quả kinh doanh tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh, tăng 18% so với cùng kỳ.
SSI Research đánh giá triển vọng của GVR khá lạc quan nhờ diện tích đất cao su lớn nhất cả nước, với quý đất 394.782 ha trải khắp trên nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh... Việc chuyển đổi hơn 23.000 ha đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp (KCN) là cơ hội đặc biệt để công ty viết tiếp chặng đường tương lai tiếp theo.
SSI cho rằng ngành kinh doanh cao su tự nhiên sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ giá cao su tăng trong thời gian tới (theo ước tính, giá cao su tăng 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp mảng sản xuất cao su của GVR tăng 0,5%).
Trong năm 2024, SSI Research dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế của GVR lần lượt đạt 24,5 nghìn tỷ đồng (+10,7%) và 3,7 nghìn tỷ đồng (+11,4%), cao hơn kế hoạch của công ty.
Doanh thu từ sản xuất cao su dự báo đạt 19,5 nghìn tỷ đồng (+16%) do sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 537 triệu tấn (+2%) và giá bán cao su tăng 16% (đạt mức 36,4 triệu đồng/tấn). Giá cao su tăng cao xuất phát từ nguồn cung toàn cầu giảm liên quan đến dịch bệnh và tác động của thời tiết như sự chuyển đổi giữa El Nino và La Nina. Biên lợi nhuận gộp cao su tự nhiên được dự báo sẽ tăng 4% so với cùng kỳ lên 25%, nhờ giá bán trung bình cao hơn.
Doanh thu chế biến gỗ cao su có thể đạt 2.363 tỷ đồng (-18%) với biên lợi nhuận gộp giảm 4% so với cùng kỳ do sản lượng thấp hơn.
Doanh thu KCN dự kiến tăng 5% so với cùng kỳ đạt 935 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giá cho thuê cao hơn, với biên lợi nhuận gộp dự kiến đạt 65% (+2%).
Trong năm 2025, SSI dự báo LNST của GVR tăng 50,5% nhờ lợi nhuận đến từ hỗ trợ đền bù đất trồng cây cao su tại các KCN như Cao su Đồng Nai, Cao su Bà Rịa, Cao su Dầu Tiếng và Cao su Phú Riềng.