Jonathan Nelson đã chờ đợi cam kết vốn ước tính khoảng 2 triệu USD cho doanh nghiệp công nghệ tài chính của ông có tên HF.Capital từ 2 nhà đầu tư suốt 2 tháng. Ông từng đặt mục tiêu gọi vốn ước chừng khoảng 2,5 triệu USD. Thế nhưng cuối cùng, ông đã phải chấp nhận sự từ chối của 67 nhà đầu tư. Đến giữa tháng 3/2023, những nhà đầu tư ban đầu cũng rút vốn.
Ông Nelson ban đầu đã rất hoảng sợ bởi thái độ lạnh nhạt này. Thế nhưng hai ngày sau đó, khi mà ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng hàng đầu cho giới khởi nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm, sụp đổ sau khi các nhà đầu tư công nghệ và khởi nghiệp rút mạnh tiền, ông đã hiểu ra mọi chuyện.
Theo bài báo mới được New York Times đăng tải, tình trạng tương tự đang diễn ra trong thế giới khởi nghiệp sau vụ sụp đổ của ngân hàng SVB. Sau năm 2022 khi mà dòng tiền dễ dàng dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cạn đi, định giá của những doanh nghiệp kiểu này đã trở về với con số thấp bất ngờ.
Tham vọng của doanh nhân khởi nghiệp vì vậy sụt giảm theo, tình trạng sa thải diễn ra trên diện rộng. Nhiều người đã từng hy vọng mọi chuyện sẽ hồi phục trong năm nay. Tuy nhiên cuối cùng, sự sụp đổ của ngân hàng SVB đã tạo ra thêm tâm lý lo lắng và nhiều người giờ đây đang mất dần đi hy vọng.
Ngày Chủ nhật vừa qua, có thông tin cho thấy ngân hàng SVB sẽ chính thức bị ngân hàng First Citizens thâu tóm. Công ty mẹ của ngân hàng SVB là SVB Financial đã nộp hồ sơ xin phá sản vào ngày 17/3/2023, đồng thời có kế hoạch chạy riêng một quy trình để bán dần các bộ phận.
Trong suốt 2 tuần qua, trong khi các nhà quản lý chật vật tìm bên muốn mua lại ngân hàng SVB, nhiều doanh nghiệp vốn phụ thuộc vào nguồn tín dụng từ SVB đã gặp khó trong việc tìm kiếm kênh tín dụng mới. Nhiều nhà đầu tư, trong tâm lý thận trọng, cũng lựa chọn chờ đợi chứ không đầu tư cho cả doanh nghiệp khởi nghiệp cũ và mới. Không ít doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ hiện đang cố gắng làm tất cả những gì có thể để tránh huy động vốn mới bởi họ không muốn bị định giá thấp, điều khoản chặt chẽ và quy trình thẩm định khắt khe hơn.
Kết quả, môi trường gọi vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp dường như đã giá lạnh lại trở nên băng giá hơn.
“Người ta đang nhận ra rằng mọi chuyện chắc chắn sẽ không tốt hơn, toàn bộ hệ thống hiện đang hứng chịu cú sốc”, nhà đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm Headline – ông Mathias Schilling phân tích.
Ông Schilling chỉ ra việc những người gửi tiền tháo chạy dẫn đến sự sụp đổ của SVB cho thấy nỗi sợ ở trên thị trường lớn đến thế nào. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ không hoảng sợ đến như vậy nếu bản thân họ không đang trong tình trạng khó khăn.
Vụ sụp đổ của ngân hàng SVB không trực tiếp có nguyên nhân của sự đi xuống trong ngành công nghệ và những doanh nghiệp khởi nghiệp gửi tiền ở đây sẽ không mất tiền bởi Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã đảm bảo toàn bộ tiền gửi tại ngân hàng SVB. Tuy nhiên việc SVB đóng cửa diễn ra hẳn cũng có liên quan đến việc so với cùng kỳ năm trước, nguồn vốn mạo hiểm giảm 61% trong 3 tháng cuối của năm 2022.
Chuyên gia tại PitchBook, ông Kyle Stanford, nói rằng ông tin sự sụp đổ của SVB sẽ đẩy nhanh quá trình đi xuống của thị trường vốn đã diễn ra từ trước.
“Chúng tôi đã trong quá trình chững lại suốt cả năm rồi. Đây là vấn đề mà thực sự thị trường không hề dự báo trước”, ông Standford nói.
Công ty đầu tư mạo hiểm NFX đã thực hiện cuộc khảo sát với khoảng 870 nhà sáng lập các doanh nghiệp khởi nghiệp trong tuần trước, 59% trong số này khẳng định vụ sụp đổ của SVB sẽ khiến cho thị trường huy động vốn trở nên khó khăn hơn. 22% nói họ lo ngại họ sẽ không thể gọi được thêm vốn trong năm nay.