Lạm phát tại châu Âu cao nhất trong 25 năm khi căng thẳng Nga – Ukraine kéo dài

Lạm phát tăng quá nhanh nhiều khả năng sẽ khiến cho châu Âu buộc phải nâng lãi suất chủ chốt vào tháng sau, ngoài ra, nó cũng có thể sẽ khiến cho tiêu dùng của các hộ gia đình châu Âu sụt giảm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong tháng 9/2022 chạm mức 2 con số bởi hiện đang tồn tại quá nhiều yếu tố bất ổn xung quanh khả năng của khu vực này trong việc thu xếp đủ nguồn năng lượng cho mùa đông sắp tới.

Theo bài đăng mới đây trên Wall Street Journal, tốc độ tăng của lạm phát nhiều khả năng sẽ khiến cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc phải nâng lãi suất chủ chốt vào tháng sau, ngoài ra, nó cũng có thể sẽ khiến cho tiêu dùng của các hộ gia đình sụt giảm, nó đe dọa đẩy nền kinh tế khu vực vào suy giảm.

Theo số liệu của cơ quan thống kê thuộc Liên minh châu Âu (EU), giá cả tiêu dùng tại khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước và như vậy lạm phát cao nhất tính từ khi các số liệu được tính toán vào năm 1997, 2 năm trước khi đồng euro bắt đầu được đưa vào lưu hành. Còn nếu tính riêng từng quốc gia, số liệu từ Cơ quan Thống kê Đức cho thấy lạm phát tại Đức cao nhất tính từ cuối năm 1951.

“Áp lực lạm phát đang dâng cao trong khắp các lĩnh vực của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ING – ông Carsten Brzeski phân tích.

Tính từ căng thẳng Nga – Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng dự trữ năng lượng khổng lồ của nước này như “đòn bẩy” để ngăn cản châu Âu hỗ trợ cho Ukraine. Vào đầu tháng này, Nga đã tạm ngưng cung cấp khí đốt thông qua hệ thống đường ống NordStream.

Vào đầu tuần này, tình trạng rò rỉ khí đốt và việc hệ thống đường ống kép bị đóng cửa đã khiến cho nhiều người sợ hãi về khả năng sẽ có tình trạng phá hoại tại đường ống, đồng thời nó đặt ra nhiều câu hỏi về an ninh của hạ tầng năng lượng châu Âu.

Bị mất đi nguồn cung khí đốt tự nhiên của Nga, các nhà cung cấp điện của châu Âu đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế trên toàn cầu, giá khí đốt vì vậy tăng cao hơn nữa. Tính toán của Eurostat cho hay giá năng lượng các hộ gia đình châu Âu vào tháng 9/2022 cao hơn đến 40,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các doanh nghiệp trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao hiện cũng đang ngày một khó khăn hơn. Giá cả dịch vụ tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước dẫn đến lạm phát lõi tăng 4,8% từ mức 4,3%.

Trước đây, từng có khoảng thời gian giá tiêu dùng tại châu Âu tăng thấp hơn so với Mỹ, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng này giờ đây đang tăng nhanh hơn. Tháng 8/2022, lạm phát tại Mỹ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, khá cao so với mức tăng 9,1% tại khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mỹ hiện tại chưa công bố số liệu của tháng 9/2022.

Vào ngày thứ Hai, Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố tỷ lệ lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu được dự báo ở mức khoảng 8,1% trong năm nay, cao hơn đáng kể so với mức khoảng 7% theo tính toán được công bố vào tháng 6/2020. Với năm 2023, tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, OECD dự báo lạm phát trung bình ước tính khoảng 6,2% còn lạm phát tại Mỹ ước tính khoảng 3,4%.

Một yếu tố có thể gây xáo trộn triển vọng lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu chính là ảnh hưởng từ các đợt hạn chế giá cả do chính phủ các nước thông báo trong nỗ lực bảo vệ các hộ gia đình khỏi những khó khăn của mùa đông. Vào ngày thứ Năm, chính phủ Đức thông báo sẽ áp mức giá trần khí đốt và điện cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tính theo một ngưỡng sử dụng nhất định.

Các biện pháp hạn chế tăng giá sẽ có thể tạm thời ngăn lạm phát tăng cao trong ngắn hạn. Thế nhưng về dài hạn nó sẽ khiến lạm phát duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài bởi nó khiến cho người dân chi tiêu mạnh tay hơn vào nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác.

Nâng lãi suất chủ chốt muộn hơn 4 tháng so với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hiện đang cố gắng để ngăn giá cả leo thang, đồng thời nâng lãi suất thêm ¾ điểm phần trăm trong tháng 9/2022. ECB đồng thời phát đi thông điệp rằng sẽ có thêm các đợt nâng lãi suất trong các buổi họp chính sách sắp tới.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE