Lạm phát khiến giới triệu phú Mỹ cũng phải chi tiêu dè sẻn

Giới triệu phú Mỹ đang phải cắt giảm chi tiêu trong dịp nghỉ lễ do lạm phát tăng vọt, điều mà họ coi là rủi ro lớn đối với nền kinh tế và tài sản cá nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo khảo sát của CNBC, 80% triệu phú được hỏi – những người có tài sản ròng trên 1 triệu USD – cho biết họ dự định chi tiêu ít hơn trong dịp lễ năm nay do lạm phát. Trong đó, các triệu phú thế hệ Y (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) có nhiều khả năng cắt giảm chi tiêu nhất, với 100% cho rằng họ dự định chi tiêu ít hơn. Trong khi đó, con số này ở thế hệ triệu phú Baby boomer (những người sinh từ năm 1945 đến 1964) là 78%. Cuộc khảo sát được tiến hành trực tuyến vào tháng 11 với tổng số 761 người tham gia.

Khi được hỏi về cách ứng phó với lạm phát, đa số triệu phú (52%) giải thích rằng họ có “ý thức hơn về giá cả” khi mua sắm và 1/3 cho biết họ ít đi ăn ở nhà hàng hơn.

Ông George Walper, Chủ tịch Tập đoàn Spectrem, đơn vị thực hiện khảo sát với CNBC cho biết: “Giới triệu phú đang trở nên thận trọng hơn trong cách tiêu tiền của mình”.

Nghiên cứu của CNBC cũng chỉ ra rằng mặc dù lạm phát đã ảnh hưởng đến chi tiêu của các triệu phú, nhưng họ lại có quan điểm khác nhau trong việc thay đổi danh mục đầu tư. Khi được hỏi về điều này, 29% triệu phú tham gia khảo sát cho biết họ đã thay đổi, 11% cho biết họ đang lên kế hoạch thực hiện. Trong khi đó, gần 1/3 (khoảng 30%) triệu phú được hỏi nói rằng họ chưa biết có nên thay đổi hay không và 31% cho biết họ không có kế hoạch thay đổi.

Theo ông Walper, các triệu phú dường như đã nhận thức sâu sắc về tác động của lãi suất cao đối với các khoản đầu tư và nhu cầu thay đổi danh mục đầu tư, nhưng họ chưa chắc chắn nên thực hiện thay đổi ở đâu.

Một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 10/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 10/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Lạm phát ở Mỹ trong năm 2022 đã đạt mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1970. Lạm phát bắt đầu ở mức 7,5% vào tháng 1 và tăng lên 9,1% vào tháng 6, khi giá xăng chạm mức 5 USD/gallon ở một số bang. Chỉ riêng tỷ lệ lạm phát đối với giá khí đốt đã lên tới 60% vào thời điểm đó, phần lớn là do hậu quả từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Giá dầu tăng và hàng loạt vấn đề về chuỗi cung ứng do COVID-19 kéo dài đã khiến giá lương thực tăng cao. Tình trạng thiếu chip bán dẫn cũng kéo dài đến nửa đầu năm 2022, khiến giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng luôn ở mức cao.

Ngay cả khi lạm phát bắt đầu giảm từ mức cao nhất vào tháng 6, lạm phát cơ bản - tức là giá của tất cả hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ thị trường năng lượng và thực phẩm đầy biến động - đã tăng lên 6,6% trong tháng 9. Điều này cho thấy mức độ lạm phát đã lan rộng.

Song vào những tháng cuối năm, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã giảm xuống, với tốc độ thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế. Tháng 11, lạm phát ở mức 7,1%, thấp nhất trong năm nay.

Trước đó, nhiều nhà kinh tế, bao gồm cả những chuyên gia tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed), tin rằng lạm phát chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và sẽ giảm xuống vào năm 2022 khi các vấn đề chuỗi cung ứng được giải quyết và người dân cắt giảm chi tiêu. Đây cũng là dự đoán của cả Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Fed Jerome Powell vào cuối năm 2021.

Song các vấn đề về chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn, đặc biệt là khi biến thể Omicron xuất hiện và lan rộng khó kiểm soát. Sau đó, xung đột ở Ukraine vào cuối tháng 2 cũng đã gây ra tình trạng gián đoạn lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trên thị trường năng lượng. Nhưng ngay cả trong bối cảnh giá cả tiếp tục tăng, người tiêu dùng Mỹ vẫn phải chi tiêu.

Fed phải tung ra công cụ giải quyết lạm phát, đó là điều chỉnh lãi suất nhằm tiết chế chi tiêu. Bắt đầu từ tháng 3, Fed đã tăng lãi suất với tốc độ khá cao. Vào tháng 12, Fed đã tăng lãi suất lần thứ 7 trong năm nay.

Song các nhà kinh tế nhận định lãi suất tăng chỉ đóng vai trò nhỏ trong việc giảm tỷ lệ lạm phát. Cho đến nay, lãi suất tăng chủ yếu chỉ được cảm nhận trong thị trường bất động sản, vì lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến các khoản thế chấp. Doanh số bán nhà đã giảm kể từ tháng 2.

Ông Michael Pugliese, nhà kinh tế tại Wells Fargo, nhận định: “Tăng lãi suất chắc chắn đóng vai trò nhỏ, nhưng phần lớn các biện pháp thắt chặt của Fed sẽ chỉ có thể có tác động vào năm sau, hoặc thậm chí ở một mức độ nào đó vào năm 2024”.

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 10/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 10/6/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra nhận định khá tiêu cực về lạm phát trong năm 2023.

“Chúng tôi đã liên tục kỳ vọng sẽ đạt được tiến triển nhanh chóng về lạm phát”, ông Powell cho biết hôm 14/12, sau lần tăng lãi suất gần đây nhất của Fed. Cơ quan này chỉ ra rằng họ đang đặt mục tiêu tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi đạt khoảng 5% - 5,5%, báo hiệu mối quan tâm của các quan chức rằng lạm phát sẽ còn dai dẳng.

Bà Claudia Sahm, cựu chuyên gia kinh tế của Fed nói rằng so với năm ngoái, mọi thứ có vẻ khả quan hơn. Đại dịch COVID-19 dường như đã được kiểm soát tốt hơn so với thời điểm này năm ngoái, khi biến thể Omicron bắt đầu lan rộng. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đang được nới lỏng, giá ô tô mới và đã qua sử dụng đều giảm. Mỹ cũng đã điều chỉnh các chính sách để đối phó với cú sốc đối với thị trường năng lượng do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Với những nhận định trên, chuyên gia Sahm lạc quan một cách thận trọng về lạm phát trong năm 2023.

“Mọi thứ đang chuẩn bị sẵn sàng cho năm 2023. Nếu không có điều gì tồi tệ khác xảy ra trên thế giới, năm 2023 sẽ là con đường quay trở lại cuộc sống bình thường”, ông nói.

Theo Báo Tin tức

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE