Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng do lo ngại lạm phát cao kỷ lục đã trở nên cẩn thận dè dặt hơn trong việc chi tiêu. Với giá thực phẩm, tiền thuê nhà, xăng dầu và các chi phí gia đình khác tăng cao, người tiêu dùng phải rất cân nhắc những gì họ mua. Nhiều người đã hoãn mua các mặt hàng có chi phí lớn như ô tô, tivi và thiết bị gia dụng.
Jennifer Sabin, một kỹ sư âm thanh đến từ New York, cho biết: “Năm nay tôi tiết kiệm nhiều hơn so với những năm trước, vì vậy tôi quan tâm đến giá cả vào thời điểm này”. Còn một nhân viên bán lẻ từ Washington, D.C. tên là Casey nói: "Tôi đã không mua sắm nhiều như năm ngoái vì mọi thứ đều đắt đỏ hơn rất nhiều".
Joanne Hsu, Giám đốc phụ trách Khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho rằng tâm lý người tiêu dùng đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử.
Một báo cáo của công ty BlackFriday.com cho thấy 70% người mua sắm sẽ cân nhắc tới lạm phát khi mua sắm trong mùa lễ này và thậm chí nhiều người sẽ tìm kiếm lựa chọn các giao dịch có giá cả phù hợp.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng đang cảm thấy do dự hơn nhiều bởi lạm phát và những lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng trong bối cảnh các hoạt động bán lẻ đang trở nên ảm đạm hơn.
Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ dự kiến doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ tháng 11 và tháng 12 năm nay sẽ tăng từ 6% đến 8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại giảm mạnh so với mức tăng 13,5% vào năm 2021.
Những con số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát, nghĩa là chi tiêu thực thậm chí có thể giảm so với cùng kỳ năm trước.
Mùa mua sắm lễ hội ở Mỹ được coi là thước đo quan trọng về mức độ sẵn sàng chi tiêu của người mua sắm. Khoảng thời gian hai tháng giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh đã chiếm khoảng 20% doanh thu hàng năm của ngành bán lẻ.