Từ đầu tháng 8 đến nay, thị trường ghi nhận có 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, bao gồm Eximbank, ACB, Agribank, Sacombank, Saigonbank, VietBank, TPBank, CBBank, VIB, Dong A Bank, VPBank, Techcombank.
Song, đã có một số ít ngân hàng nhen nhóm giảm lãi suất. Mới đây nhất, Ngân hàng OCB vừa công bố biểu lãi suất huy động mới nhất, theo hướng giảm ở một số kỳ hạn. Trong đó, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng tại ngân hàng này giảm từ 5,8%/năm xuống còn 5,6%, lãi suất kỳ hạn 36 tháng cũng giảm tương tự, còn 5,8%/năm
Trước đó, ngày 14/8, BAC A BANK giảm lãi suất tiết kiệm với tất cả các kỳ hạn tiền gửi. Theo biểu lãi suất huy động dành cho tài khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,2%/năm xuống còn 3,5%/năm. Lãi suất ngân hàng các kỳ hạn 3-4 tháng đồng loạt giảm 0,1%/năm, lần lượt còn 3,8-3,9%/năm.
Dù giảm nhưng lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn được BAC A BANK duy trì ở mức 5%/năm trở lên. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-7 tháng giảm 0,15%/năm còn 5%/năm, 8 tháng giảm 0,05% còn 5,1%/năm.
Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng giảm 0,15%/năm xuống còn 5,6%/năm, trong khi kỳ hạn 13-15 tháng giảm 0,1%/năm còn 5,65%/năm.
Lãi suất huy động cao nhất dành cho tài khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng được BAC A BANK niêm yết ở mức 5,75%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 18-36 tháng sau khi giảm 0,1%/năm.
Ngày 7/8, Ngân hàng SeABank cũng thông báo đồng loạt giảm 0,25%/năm lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn. Động thái này diễn ra sau khi ngân hàng này tăng lãi suất cao nhất lên đến 6,2%/năm, mức dẫn đầu thị trường.
Theo biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy dành cho khách hàng cá nhân gửi từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng giảm còn 2,95%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng giảm còn 3,45%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 4,15%/năm, kỳ hạn 9 tháng 4,29%/năm, kỳ hạn 12 tháng 5,2%/năm và lãi suất huy động các kỳ hạn 15-36 tháng là 5,75%/năm.
SeABank áp dụng lãi suất ngân hàng bậc thang dành cho các mức tiền gửi khác nhau, chênh lệch lãi suất giữa hai mức tiền gửi liền kề là 0,05%/năm.
Hiện lãi suất huy động cao nhất tại SeABank là 5,95%/năm, áp dụng cho tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, kỳ hạn 15-36 tháng, giảm 0,25%/năm so với mức lãi suất cao nhất thị trường 6,2%/năm từng được nhà băng này niêm yết.
Trước nữa, ngày 4/8, ABBank giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,3% tại hầu hết các kỳ hạn tiền gửi online.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm%, xuống mức 4,0%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm %, xuống mức 5,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống mức 5,5%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2 điểm %, xuống mức 6,0%/năm. Lãi suất kỳ hạn 18-36 tháng giữ nguyên ở mức 5,7%/năm.
Đà tăng lãi suất huy động đã dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi bứt tốc mạnh mẽ vào cuối quý II. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng so với cuối năm 2023 đã giảm còn 5,3% vào ngày 17/7, sau khi tăng tốc và đạt mức 6% vào cuối tháng 6.
Tuy vậy, các chuyên gia dự báo lãi suất huy động vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm 2024.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn, các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Nhóm phân tích cho rằng lãi suất đầu vào sẽ tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2024 do cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm.
Chuyên gia MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm %, quay về mức 5,2-5,5%/năm vào cuối năm 2024.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhận định lãi suất huy động tăng trở lại là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động của kỳ vọng tỷ giá và chính sách lãi suất. Tuy vậy, VDSC cho rằng mức tăng sẽ không đột biến như năm 2022 do bối cảnh vĩ mô là khác nhau.