Nhìn lại diễn biến thị trường cuối năm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Maybank Investment Bank (MSVN) cho rằng, phiên cuối năm 2023 đóng cửa với mức tăng vừa đủ giúp VN-Index được đánh giá tạm thoát vùng side way. Nhà đầu tư có sự kỳ vọng tương đối lớn vào sự khởi sắc của thị trường trong tháng 1.
“Nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cân bằng hơn trong tuần cuối năm. Nhưng để đưa ra kết luận khối này đã xác thực đảo chiều mua ròng thì vẫn cần thận trọng chờ thêm. Tôi cho rằng, tháng 1 thị trường vẫn sẽ nhìn thấy sự cân bằng của khối ngoại. Giai đoạn bán ra với cường độ mạnh đã qua, kỳ vọng họ giao dịch cân bằng hơn. Quan trọng lúc này vẫn là nhà đầu tư trong nước”, ông Lâm nói.
Theo vị này, tiền vẫn ở đó, nhưng do tháng 12 mức độ thận trọng cao nên nhà đầu tư chưa giải ngân nhiều. Nếu nút thắt giao dịch khối ngoại cân bằng hơn trong tháng 1 này thì có thể giữ được niềm tin cho nhà đầu tư.
“Theo tôi, sự cải thiện đến dần từ quý III, IV với cải thiện từ xuất khẩu. Mức độ thẩm thấu cũng đến dần với tâm lý của nhà đầu tư. Tất nhiên, 2024 không phải không có thử thách, nhưng bức tranh kinh tế thực theo hướng ủng hộ thị trường, rõ nét hơn 2023. Năm 2023 là năm bản lề, bước chuyển từ năm 2022 với nhiều vết thương, nhiều bức tranh trái chiều. Năm 2024 điểm trừ vẫn còn, lo ngại vẫn còn nhưng ít hơn”, chuyên gia MSVN đánh giá.
Nhận định thị trường 2024, ông Lâm cho biết các chuyên gia MSVN chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn nửa đầu năm, trong đó có cuối quý I đầu quý II có những điểm thận trọng. Về kinh tế trong nước, áp lực đáo hạn trái phiếu rơi vào khoảng tháng 4, 5, có thể dẫn tới những rủi ro. Doanh nghiệp không hẳn là không thanh toán được, mà trong một số tình huống gây áp lực lên thị trường, khi phải bán bớt cổ phiếu, tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu. Nếu doanh nghiệp bán được tài sản, cơ cấu được nợ trái phiếu thì giảm áp lực cho thị trường.
“Dù xác suất thấp nhưng nếu có rủi ro liên quan vấn đề nợ trái phiếu trong giai đoạn tháng 4, 5 thì có thể tác động đáng kể tới thị trường. Giai đoạn nửa đầu năm, tháng 1 có thể sung sức nhưng qua tháng 2, 3 chậm dần lại, tháng 4, 5 nếu áp lực xuất hiện có thể khiến thị trường rung lắc, giằng co”, ông Lâm đề cập.
Vào nửa cuối năm, đi kèm kinh tế thực bắt đầu cho thấy sự khởi sắc rõ nét. Lúc này Luật Bất động sản sửa đổi cũng đã thông qua, trường hợp sớm có thể thông qua vào tháng 1, 2. Vấn đề liên quan tới bất động sản, hồi phục kinh tế đều ở nấc cao hơn so với nửa đầu năm, theo đó điểm rơi thị trường tăng mạnh được có thể vào cuối năm.
Ngoài ra, ông Lâm cho rằng, chúng ta có “của để dành” đó là nâng hạng thị trường. Các chuyên gia cho rằng xác xuất 50-50 với những gì đang chuẩn bị. Nếu thị trường không có thông tin nâng hạng, ở đây không nhất thiết là được nâng hạng mà là câu chuyện đảm bảo để 2025 được chính thức nâng hạng.
Ở kịch bản thận trọng, VN-Index đạt khoảng 1.250 điểm. Còn trong kịch bản nếu kịp sửa luật, mọi thứ điều chỉnh trên thị trường được ghi nhận, đưa vào trạng thái sẵn sàng nâng hạng thì điểm số VN-Index có thể lên vùng 1.350 - 1.400 điểm vào cuối 2024, kéo qua đầu 2025.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Cấp cao, CTCK KIS Việt Nam đánh giá, sau kỳ nghỉ Tết, thị trường vẫn tiếp tục có những phiên tăng điểm đi lên, có thể có những phiên điều chỉnh đan xen trong xu hướng tăng. Bởi xét về vĩ mô kinh tế thế giới, FED đã đảo chiều chính sách dẫn tới đồng USD suy yếu. Dòng tiền đầu tư có hướng đảo chiều, không đổ vào trái phiếu Mỹ lẫn đồng đô mà sẽ chảy về các thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam.
“Với đệm đà tốt 2023, việc điều hành chính sách đầu tư công, chính sách tài khóa của Chính phủ cũng như chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước vẫn theo hướng ổn định, hỗ trợ cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong 2024”, ông Phương nhìn nhận.
Ngoài ra, vừa qua Tổng thống Mỹ qua thăm Việt Nam, tháp tùng là đoàn 50 lãnh đạo doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Qua 2024, các kế hoạch hợp tác đầu tư sẽ được hiện thực hóa cụ thể, sẽ đi tới bước ký kết đầu tư, chọn thuê đất, nhà xưởng… giúp vốn FDI sẽ đổ vào mạnh hơn từ 2024.
Trên thị trường, khối ngoại có tín hiệu đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng. Chuyên gia KIS tin xu hướng này bắt đầu mạnh hơn từ 2024. Như vị này đã phân tích, đồng USD suy yếu, vốn FII đổ lại Việt Nam, khối ngoại lại mua ròng. Cộng thêm tâm lý nhà đầu tư yên tâm hơn khi Việt Nam đón nhận các dòng vốn, cùng với việc điều hành chính sách giúp doanh nghiệp được hưởng lợi, sức hấp dẫn doanh nghiệp tăng lên. EPS doanh nghiệp dự báo tăng 20% so với 2023, khi đó P/E chứng khoán Việt Nam thấp hơn so với mặt bằng hiện nay, giúp tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư nội lẫn ngoại.
“Tôi cho rằng, năm 2024 VN-Index có thể chinh phục mốc mới, vùng dao động khả quan có thể đạt trong năm 1.300-1.350 điểm”, ông Phương nhận định.