Gần 6 tháng sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine, những hệ lụy của xung đột có nguy cơ khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần nhất, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất và "bão giá" khiến người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao, còn nạn đói cũng như bất ổn lan rộng ở các nước đang phát triển.
Kinh tế toàn cầu bên bờ vực suy thoái
Xung đột Nga-Ukraine đã dẫn tới việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng trước hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần thứ 4 trong vòng chưa đầy một năm. Thể chế tài chính này dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng 3,2%, giảm so với mức dự báo 4,9% hồi tháng 7/2021.
Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho rằng thế giới sẽ sớm đứng bên bờ vực của một cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần nhất.
Châu Âu sau nhiều năm phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga cho sản xuất công nghiệp đã chịu tác động lớn. Khu vực này đối mặt với nguy cơ lạm phát gia tăng, khi Nga giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu để sử dụng cho việc sưởi ấm, sản xuất điện và hoạt động của các nhà máy. Giá khí đốt tăng 15 lần so với trước khi nổ ra xung đột.
Ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và từng là nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương Anh, cho rằng nguy cơ suy thoái tại châu Âu lớn hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trên thế giới cũng có GDP bình quân đầu người cao.
Khí đốt không những đắt hơn nhiều mà còn không có để mua nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cho châu Âu nhằm trả đũa các lệnh cấm vận của phương Tây hoặc nếu các công ty không dự trữ đủ cho mùa Đông.
Đức có thể phải áp dụng chế độ phân phối khí đốt, biện pháp có thể làm tê liệt nhiều ngành công nghiệp, từ luyện thép tới dược phẩm, giặt là thương mại.
Các chính phủ, doanh nghiệp và các gia đình trên toàn cầu đang cảm nhận được những tác động của cuộc xung đột với nền kinh tế, chỉ hai năm sau khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động thương mại toàn cầu.
Lạm phát tăng, giá năng lượng tăng vọt, làm tăng triển vọng về một mùa Đông lạnh giá và tăm tối. Châu Âu đứng bên bờ vực suy thoái.
Trong khi đó, với Nga, IMF nhận định nền kinh tế nước này giảm 6% trong năm nay.. Nhà kinh tế người Nga Sergey Aleksashenko nhấn mạnh rằng doanh số bán lẻ tại nước này trong quý II/2022 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.
Khi giọt nước tràn ly
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nền kinh tế toàn cầu đã phải chịu sức ép. Lạm phát tăng phi mã khi sự phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến từ suy thoái do đại dịch, đã khiến các nhà máy, cảng và bãi vận chuyển hàng hóa quá tải, gây ra tình trạng chậm trễ, thiếu hụt và giá cả tăng. Đáp lại, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất để hạ nhiệt tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Trung Quốc, quốc gia theo đuổi chính sách "Không COVID-19", đã áp đặt các đợt phong tỏa, làm suy yếu nghiêm trọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Vào thời điểm đó, nhiều nước đang phát triển vẫn đang đương đầu với đại dịch và các khoản nợ chồng chất mà họ phải gánh nhằm bảo vệ người dân trước thảm họa kinh tế.
Tất cả những thách thức đó đều có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nặng nề. Cả hai hành động này đã làm gián đoạn thương mại lương thực và năng lượng.
Nga là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới và là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên, phân bón và lúa mỳ hàng đầu thế giới. Ukraine cũng là nước cung cấp lương thực cho hàng triệu người trên toàn cầu. Hệ quả là lạm phát đã lan rộng khắp thế giới.
Giá thực phẩm tăng cao và tình trạng thiếu lương thực, vốn trở nên trầm trọng hơn do hoạt động xuất khẩu phân bón và ngũ cốc từ Nga và Ukraine bị gián đoạn, có thể khiến nạn đói và bất ổn lan rộng ở các nước đang phát triển.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, giá thực phẩm và năng lượng tăng đã khiến 71 triệu người trên toàn cầu rơi vào cảnh đói nghèo trong quý I năm nay. Tổ chức Nông Lương LHQ dự báo, các quốc gia ở vùng Balkan và châu Phi phía Nam sa mạc Sahara bị tác động nặng nhất. Có tới 181 triệu người ở 41 quốc gia có thể rơi vào cảnh đói trong năm nay.
Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, Syahrul Yasin Limpo, trong tháng này cảnh báo giá mỳ ăn liền, một loại hàng hóa thiết yếu tại quốc gia Đông Nam Á này, có thể tăng gấp ba do lạm phát giá lúa mỳ.
Ở nước láng giềng Malaysia, một nông dân trồng rau là anh Jimmy Tan cho biết giá phân bón tăng 50%. Anh cũng phải trả nhiều tiền hơn cho việc mua tấm nhựa, túi và vòi nước.
Tại Pakistan, đại bộ phận dân số sống trong cảnh nghèo đói, khi đồng tiền của nước này mất giá 30% so với đồng USD và chính phủ tăng giá điện 50%.
Ông Muhammad Shakil, một nhà xuất, nhập khẩu, cho biết ông không thể mua lúa mỳ, đậu gà và đậu Hà Lan từ Ukraine. Ông phải nhập khẩu từ các nước khác và với giá cao hơn.