Thị trường không chịu ảnh hưởng từ diễn biến bầu cử Mỹ, mốc 1.300 điểm sẽ sớm được chinh phục

          
Cần cú hích gì để thị trường vượt 1.300 điểm?

Ông Bùi Văn Huy

Giám đốc chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC

Trước tiên, về bối cảnh thị trường thế giới vẫn khá tốt ở thời điểm hiện tại. Liên thị trường hiện tại tích cực với việc FED cho thấy quan điểm mềm mỏng hơn về lãi suất. Dù có một vài diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ cuối tuần nhưng có lẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường chung.

Một số điểm đáng lưu ý khác là bối cảnh trong nước có nhiều sự lạc quan hơn với vĩ mô ổn định. Điểm trừ là mặt bằng lãi suất huy động cao lên nhưng điều này là bình thường nếu tín dụng phục hồi trở lại. Trong khi đó, nỗi lo tỷ giá có vẻ dịu đi trong ngắn hạn.

Điểm khiến thị trường chưa bứt phá mạnh mẽ có chăng là việc khối ngoại bán ròng quá quyết liệt khiến dòng tiền nội chưa thực sự dứt khoát. Dù khó có thể dự báo khi nào khối ngoại mua ròng trở lại nhưng tôi kỳ vọng thời gian tới khối ngoại sẽ giảm bán ròng. Nhà đầu tư ngoại bán mãi cũng vơi đi áp lực, khi đó tâm lý thị trường sẽ cởi mở hơn.

Cần cú hích gì để thị trường vượt 1.300 điểm?
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi kinh tế

Quan điểm của tôi vẫn duy trì: Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của chu kỳ phục hồi kinh tế. Ở đó lợi nhuận của nhiều ngành, cổ phiếu sẽ tăng trưởng. Do đó, như đã nói ở trên, dù chỉ số chung tăng hay giảm vẫn luôn có những cơ hội xuất hiện. Việc chọn ngành/mã quan trọng hơn dự báo điểm số, chỉ số vượt 1.300 hay không thì vẫn có những cơ hội.

Dù vậy, tôi tin rằng thị trường vẫn sẽ chinh phục mốc 1.300 điểm nhờ các động lực hiện tại của thị trường vẫn được duy trì (1) sự phục hồi kinh tế; (2) lãi suất đủ thấp và (3) câu chuyện nâng hạng. 

          

Thị trường chỉ cần một cú hích để đẩy chỉ số bứt phá trong nửa cuối năm 2024

          
Cần cú hích gì để thị trường vượt 1.300 điểm?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu

Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Chỉ số VN-Index đang gặp áp lực trước mốc 1.300 điểm, khi liên tục xuất hiện lực bán quanh ngưỡng này làm thị trường có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt, đây là nguyên nhân chính giúp xu hướng tăng vẫn được duy trì. Vì thế, áp lực bán ở hiện tại chỉ mang yếu tố ngắn hạn và thực sự không gây áp lực lớn trong dài hạn. Thị trường chỉ cần một cú hích để đẩy chỉ số bứt phá trong nửa cuối năm 2024. Do đó, nhà đầu tư nên xem đây là một cơ hội tích lũy cổ phiếu cho xu hướng tăng sắp tới hơn là rủi ro.

Số liệu CPI tuần qua cho thấy khả năng giảm lãi suất của FED trong thời gian tới khi lạm phát đang có xu hướng giảm nhanh hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. CPI đang được kiềm chế tốt trước chính sách lãi suất cao của FED. Điều này củng cố khả năng giảm lãi suất trong tháng 09/2024 của FED. Ngay lập tức giới đầu tư đã phản ứng trước thông tin này, dòng vốn có xu hướng bắt đầu chuyển dịch từ thị trường Mỹ sang các thị trường mới nổi, bên cạnh đó, đồng USD cũng có xu hướng yếu đi so với các đồng tiền khác. Đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường chứng khoán mới nổi trong đó có Việt Nam.

Quay trở lại với TTCK Việt Nam, tuy áp lực bán vẫn xuất hiện quanh vùng 1.300 điểm nhưng xu hướng tăng trong trung hạn vẫn được duy trì nhờ vào tình hình vĩ mô được cải thiện trong suốt giai đoạn qua.

Cần cú hích gì để thị trường vượt 1.300 điểm?
Sàn HOSE vẫn còn áp lực bán ròng lớn từ khối ngoại, tập trung vào các Bluechips.

Cú hích có thể thúc đẩy thị trường trong giai đoạn tới có thể là việc FED giảm lãi suất. Khi FED giảm lãi suất, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm đi khá nhiều, khi đó nền kinh tế sẽ có cơ hội bứt phá và hỗ trợ tốt hơn cho thị trường. Bên cạnh đó, với mức lãi suất thấp dòng vốn từ Mỹ sẽ có xu hướng quay trở lại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Điều này có thể làm đảo chiều xu hướng bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua. Khi áp lực bán từ khối này không còn, thị trường sẽ dễ dàng tăng trưởng.

          

Thêm diễn biến vĩ mô tích cực, nhà đầu tư nên xem xét gia tăng tỷ trọng cổ phiếu

          
Cần cú hích gì để thị trường vượt 1.300 điểm?

Ông Đinh Quang Hinh

Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Khối Phân tích, VNDIRECT

Trong tuần vừa qua, Mỹ đã công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 giảm 0,1% so với tháng trước, ghi nhận mức giảm theo tháng lần đầu tiên sau hơn 4 năm. CPI theo năm cũng hạ nhiệt xuống mức 3,0%, thấp hơn dự báo là 3,1%). Trong khi đó, CPI lõi tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, đều thấp hơn dự báo của thị trường.

Số liệu lạm phát hạ nhiệt củng cố thêm niềm tin của thị trường vào kịch bản FED sẽ hạ lãi suất điều hành trong nửa cuối năm nay. Theo FedWatch Tool của CME Group, các nhà giao dịch hiện đang nghiêng về kịch bản Fed hạ lãi suất sớm nhất vào cuộc họp tháng 9 tới và có khoảng 2 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Sau số liệu lạm phát tích cực, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm, trong khi chỉ số sức mạnh đồng dollar (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đều lao dốc. Diễn biến này sẽ có tác động tích cực tới cân đối vĩ mô trong nước, theo đó, tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm nhẹ trong những ngày gần đây, giúp gỡ dần nút thắt lớn đối với thị trường thời gian qua là vấn đề tỷ giá. Điều này sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường trong những tuần giao dịch tới.

Đồng thời, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn.

Cần cú hích gì để thị trường vượt 1.300 điểm?
Chỉ số VN-Index vẫn đang "vất vả" trước mốc 1.300 điểm.

Do đó, nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường về vùng 1.260-1.270 điểm sẽ mở ra cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với giá vốn hấp dẫn hơn, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu.