Báo La Tribune cho biết trong chuyến thăm Washington, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo chương trình trợ cấp và đầu tư trị giá 430 tỷ USD, bao gồm lĩnh vực giảm phát thải khí CO2, cho các doanh nghiệp Mỹ có thể khiến phương Tây phân rã.
Trong chuyến công du tới Washington, Tổng thống Pháp Macron đã đề cập “trực diện” và mạnh mẽ đến các khoản trợ cấp dự kiến dành cho lĩnh vực khí hậu của người đồng cấp Joe Biden, người được cho là đang “hết lòng” ủng hộ các sản phẩm “Made in USA”.
Sau khi gọi các khoản trợ cấp này là “siêu hiếu chiến” trên phương diện thương mại, ông Macron cảnh báo rằng Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) của Mỹ - chương trình đầu tư và trợ cấp 430 tỷ USD dành cho doanh nghiệp và chống lạm phát (bao gồm 370 tỷ USD cho việc giảm 40% lượng khí thải CO2 vào năm 2030) - có thể khiến phương Tây phân rã.
Phát biểu trước cộng đồng người Pháp tại Đại sứ quán Pháp ở Washington, ông Macron cho rằng châu Âu và Pháp có “nguy cơ” trở thành một “loại biến số điều chỉnh” cho sự cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Theo ông, IRA đã “tạo ra một sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu, đến nỗi những người làm việc trong nhiều doanh nghiệp sẽ tự nhủ sẽ không đầu tư vào phía bên kia Đại Tây Dương nữa”.
Tuy nhiên, Nhà Trắng đã không nhất trí với quan điểm như vậy, mà cho rằng đạo luật này cũng tạo “cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp châu Âu và cho an ninh năng lượng châu Âu”. Theo Karine Jean-Pierre, phát ngôn viên của Tổng thống Biden, “đó không phải là một trò chơi có tổng bằng không”.
Theo các phương tiện truyền thông Pháp, IRA có thể gây ra những nguy cơ rất lớn đối với nước này và châu Âu. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí, Thủ tướng Elisabeth Borne cho rằng xét về bản chất và quy mô của các khoản hỗ trợ, IRA đã “không tôn trọng các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”. IRA thậm chí có thể làm “mất 10 tỷ euro (10,52 tỷ USD) đầu tư và 10.000 việc làm tiềm năng” ở Pháp. Và châu Âu không thể là nơi duy nhất không có một đạo luật riêng (như “Đạo luật Mua châu Âu”) để trao thị trường cho các doanh nghiệp của mình.
Sự cạnh tranh méo mó do IRA gây ra còn được tiếp sức bởi chênh lệch về chi phí năng lượng giữa Mỹ và châu Âu, làm gia tăng nguy cơ di dời sản xuất khỏi "lục địa Già". Tại Đức, tập đoàn hóa chất BASF cho biết sẽ không loại trừ khả năng di chuyển các cơ sở sản xuất “ngốn nhiều năng lượng” nhất ra bên ngoài lãnh địa châu Âu. Tập đoàn thép ArcelorMittal cũng đã tạm thời đóng cửa một số lò cao vào mùa Thu này ở Pháp, Tây Ban Nha và Đức trước áp lực không thể chịu nổi về năng lượng ở châu Âu để chuyển hướng sản xuất. Các ngành công nghiệp ở khắp châu Âu đang thấp thỏm toan tính kịch bản di dời các nhà máy đến các quốc gia có năng lượng rẻ hơn.
Trong khi ông Macron đang có mặt tại Mỹ, nhà sản xuất thủy tinh Duralex của Pháp chắc chắn sẽ “không sống nổi qua mùa Đông” nếu không nhận được một khoản cho vay khẩn cấp. Sản xuất thủy tinh là ngành công nghiệp có chi phí năng lượng chiếm 30% giá thành sản phẩm.
Phát biểu với báo chí, Nicolas de Warren, Chủ tịch Hiệp hội Uniden - đại diện cho 36 nhà sản xuất thuộc các ngành thực phẩm, ô tô, hóa chất, xi măng, điện tử, kim loại, giấy, vận tải hoặc thủy tinh chiếm hơn 70% năng lượng công nghiệp được tiêu thụ ở Pháp - nhận định: “Nguy cơ dịch chuyển năng lượng, hay đúng hơn là dịch chuyển công nghiệp, có lợi cho các khu vực hấp dẫn như Mỹ hoặc châu Á, đang là một nguy cơ lớn về cấu trúc” đè nặng lên nền kinh tế châu Âu.
Ông cũng cho rằng những dịch chuyển này sẽ không diễn ra dưới hình thức mua lại các doanh nghiệp như đã diễn ra trong những năm 1990, mà là chuyển giao khối lượng công việc “từ địa điểm này sang địa điểm khác”.