Hoạt động chốt NAV của khối ngoại không có quy luật rõ ràng, VN-Index có thể hướng đến vùng 1.300-1.330 điểm
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam
Trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, thị trường đã chuyển biến tích cực, đặc biệt trong phiên thứ Năm, VN-Index bứt phá khỏi 1.260-1.270 điểm, tạo xu hướng ngắn hạn rõ ràng hơn so với thời điểm những phiên đầu tháng 3/2024.
Khi đó, thị trường đi ngang dưới ngưỡng kháng cự này và gặp vô số rung lắc gây ra sự khó chịu cho nhà đầu tư. Nhìn chung, khi thị trường khi gặp phải những vùng cản quan trọng, luôn cần những đóng góp của các cổ phiếu lớn và sự tham gia của các các cổ phiếu như Ngân hàng, Bất động sản và nhóm Chứng khoán đang giúp tâm lý tích cực trở lại.
Theo tôi, VN-Index có thể sẽ hướng đến vùng 1.300-1.330 điểm sau khi đã vượt qua vùng kháng cự mạnh kể trên. Các nhóm cổ phiếu kể trên sẽ là những nhóm ngành nhà đầu tư có thể hướng đến khi thị trường có thêm nhịp rướn lên trong các phiên tới đây.
Về lo lắng hoạt động chốt NAV quý I/2024 có thể tác động tới thị trường, thực tế không có quy luật rõ ràng về chốt NAV có thể làm tăng/giảm thị trường. Dù vậy, hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã được ghi nhận trong thời gian gần đây với nhiều cổ phiếu bị bán mạnh, nổi bật nhất là quỹ VN Diamond bị rút ròng mạnh.
Không loại trừ, nhà đầu tư nước ngoài đã hành động sớm trước khi quý I/2024 kết thúc. Nếu các quỹ hoàn thành sớm việc chốt NAV thậm chí có thể đem lại trạng thái tích cực trong các phiên tới.
Thông tin đáng chú ý tuần qua là FED công bố hạ lãi suất 3 lần trong năm 2024 đem lại chuyển biến tâm lý tích cực cho cả nhà đầu tư cá nhân tổ chức khi các sự kiện đang đi theo đúng kỳ vọng.
Tuy nhiên, theo tôi, áp lực tỷ giá trong 6 tháng đầu năm có thể chưa hoàn toàn hạ nhiệt do thời điểm FED có những bước chân đầu tiên trong việc giảm lãi suất chưa được công bố. Có lẽ, sau tháng 6, chênh lệch lãi suất thu hẹp thì tỷ giá mới hạ nhiệt.
Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn có nhu cầu sản xuất cao với đơn hàng đến quý III/2024 dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu cao, nhu cầu USD cũng khá lớn. Do đó, tỷ giá có thể vẫn phải neo ở mức cao một thời gian.
Ngoài ra, dự thảo của Uỷ ban chứng khoán (UBCK) cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán không cần ký quỹ 100% cũng tạo được tâm lý khích lệ với thị trường chung và nhóm CTCK.
Dự thảo đã tạo ra hướng đi rõ ràng để giải quyết nút thắt prefunding. Định hướng nhà đầu tư nước ngoài cụ thể là tổ chức thay vì cá nhân nước ngoài được phép giao dịch không cần ký quỹ 100% sẽ giúp giảm thiểu rủi ro bởi các tổ chức uy tín.
Lưu ý, hướng giải quyết cụ thể hơn nhưng áp lực ở đây là thời gian. Tới tháng 9/2024, FTSE xem xét định kỳ xếp hạng các thị trường. Nếu không kịp triển khai, có thể phải chờ tới đầu năm 2025.
Với nhóm CTCK, có thể xem đây là sản phẩm tương tự cho vay margin. Trong khi cá nhân trong nước đã cấp margin thì nhà đầu tư tổ chức ngoài chưa được cấp margin. Điều này sẽ giúp tăng thêm nguồn thu từ cho vay cũng như phí giao dịch tại các CTCK. Một số tổ chức giao dịch tần suất cao ở thị trường phát triển, đóng góp thanh khoản thị trường.
Theo tôi, nhóm CTCK hưởng lợi nhất là CTCK có ngân hàng sở hữu hoặc các định chế lớn sở hữu và các CTCK có thị phần khách hàng tổ chức lớn.
Từ trái qua: ông Nguyễn Thế Minh, ông Đỗ Bảo Ngọc.
Quỹ ngoại bán ròng không ảnh hưởng đến xu hướng chung
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS)
Chỉ số VN-Index muốn tăng cao, tăng nhanh cần phải sự góp mặt của cổ phiếu ngân hàng, nếu không sẽ khó vượt qua mốc điểm cao. Trong tuần qua, khi sóng cổ phiếu ngân hàng quay trở lại, chỉ số đã tăng nhanh về điểm số, vượt kháng cự mạnh ở 1.260-1.270 điểm.
Kỳ vọng của cổ phiếu Bank năm nay còn tương đối nhiều, cùng đó là sự hồi phục về thị trường bất động sản cũng góp phần phục hồi ngành ngân hàng. Với lợi nhuận ngành ngân hàng có triển vọng phục hồi tích cực, định giá của ngành ngân hàng P/E 9 lần, thì đâu đó vẫn có tính hấp dẫn so với nhiều nhóm khác.
Tuy nhiên, nhóm này cũng đã tăng mạnh trong một thời gian dài, nhiều cổ phiếu đã tới vùng kỷ lục lịch sử. Do vậy trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng chịu áp lực cung và điều chỉnh, không hấp dẫn với nhóm mua mới đầu cơ nhưng trong trung hạn thì vẫn có cơ hội.
Trong khi đó, nhóm bất động sản so với các ngành khác lên chậm hơn nhiều, nên tuần vừa qua đã ghi nhận nhiều mã tăng trở lại như TCH, DIG, GEX. Thêm nữa, giá chung cư và giá đất đang lên, nên kỳ vọng nhóm cổ phiếu bất động sản hồi phục.
Theo quan sát tôi về đợt bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đa số lượng bán ra đều đến từ quỹ ETF trong khi dòng vốn từ các quỹ ETF luôn có tính đầu cơ cao. Họ vào nhanh nhưng rút ra nhanh thông qua hành động bán chứng chỉ quỹ.
Khi thị trường có định giá thấp, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng rất nhiều nhưng khi cao thì họ chốt lời, xu hướng này diễn ra trong thời gian dài là hết sức bình thường. Quan trọng là các quỹ chủ động không có xu hướng bán ròng nhiều, họ vẫn đầu tư và nắm giữ cổ phiếu. Đợt bán ròng vừa qua chủ yếu đến từ các ETF.
Nhìn chung khối ngoại cũng không tác động nhiều đến thị trường. Giao dịch của nhà đầu nước ngoài chiếm tỉ trọng nhỏ, không ảnh hưởng đến xu hướng chung thị trường.
Việc lãi suất USD vẫn cao hơn so VND cũng là tác nhân khiến dòng vốn ngoại rút ra. Nếu lãi suất USD được giảm, có thể kỳ vọng nhà đầu ngoại quay lại mua ròng. Tuy nhiên, quá trình nới lỏng tiền tệ ở Mỹ có thể chỉ bắt đầu từ cuối quý II đầu quý III/2024.