Giá dầu kỳ hạn chốt phiên 30/8 giảm, khép lại tháng giảm thứ hai liên tiếp, khi chi phối tâm lý thị trường là những lo ngại về nhu cầu yếu hơn, mặc dù có "yếu tố hỗ trợ" từ sự gián đoạn nguồn cung từ Libya.
Cụ thể, trong phiên 30/8, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2024 giảm 2,36 USD, hay 3,1%, xuống 73,55 USD/thùng. Theo Dow Jones Market Data, giá dầu tại hợp đồng này giảm 1,7% trong tuần qua và giảm 5,6% trong tháng 8/2024.
Giá dầu Brent giao tháng 10/2024 giảm 1,14 USD, hay 1,4%, xuống 78,8 USD/thùng trong phiên 30/8. Giá dầu thuộc hợp đồng này giảm 0,3% trong tuần qua và giảm 2,4% trong tháng 8/2024. Trong khi đó, giá dầu giao tháng 11/2024 giảm 1,89 USD, hay 2,4%, xuống 76,93 USD/thùng.
Tại Libya, bất đồng giữa các phe phái đối địch ở miền Đông và miền Tây đã khiến các mỏ dầu bị phong tỏa, dẫn đến việc sản lượng dầu thô giảm mạnh. 5 cảng xuất khẩu ở phía Đông, với tổng công suất 800.000 thùng/ngày, đã bị đóng cửa do bất đồng trên. Tuy nhiên, tác động đến thị trường từ sự gián đoạn nguồn cung của Libya đến nay vẫn tương đối hạn chế.
Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, Gary Cunningham, cho rằng hiện vẫn có những nghi ngại về nhu cầu toàn cầu và mức độ tác động từ việc Libya đóng cửa các mỏ dầu. Ông nhận định nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vẫn yếu trong năm nay khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm và nhu cầu dầu diesel cho hoạt động vận tải của châu Á cũng thấp hơn.
Ông Cunningham nói giá dầu tăng trong phiên 29/8, một phần nhờ thông tin Shell PLC dự kiến cắt giảm 20% lực lượng lao động trong hoạt động thăm dò và phát triển dầu khí. Tuy nhiên, trừ khi các nhà sản xuất khác cũng tham gia vào nỗ lực này, đặc biệt là Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, giá dầu Brent có thể tăng đến 80 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức dưới 76 USD/thùng.
Nhìn lại tuần qua, có thể thấy việc sản lượng của Libya giảm, bên cạnh những diễn biến leo thang căng thẳng ở Trung Đông, đã kéo giá dầu tăng 3% trong phiên 26/8. Trong khi đó, giá giảm trong hai phiên 27 và 28/8, với các mức giảm tương ứng 2% và 1% do tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu năng lượng.