Giá dầu thế giới đi lên trong phiên giao dịch 10/12, khi thị trường kỳ vọng nhu cầu gia tăng từ Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - cùng với khả năng nguồn cung ở châu Âu bị thắt chặt vào mùa Đông năm nay, giữa bối cảnh tình hình chính trị tại Syria có dấu hiệu ổn định.
Cụ thể, cuối phiên này, tại thị trường London, giá dầu Brent giao kỳ hạn chốt phiên ở mức 72,19 USD/thùng, tăng 5 xu Mỹ, tương đương 0,07%. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ kết thúc phiên này ở mức 68,59 USD/thùng, tăng 22 xu Mỹ, tương đương 0,32%. Trước đó, cả hai loại dầu tiêu chuẩn này đều tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 9/12.
Giá dầu nhận được sự hỗ trợ từ thông tin Trung Quốc dự kiến áp dụng chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” vào năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 14 năm Trung Quốc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ, dù chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố.
Ngoài ra, lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc cũng tăng lần đầu tiên sau bảy tháng, tăng mạnh trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Tamas Varga, nhà môi giới dầu mỏ tại PVM, mức tăng này chủ yếu đến từ việc dự trữ dầu hơn là do nhu cầu thực sự cải thiện.
Ông Varga nhận định: “Để kích thích kinh tế, cần cải thiện tâm lý tiêu dùng và chi tiêu, cũng như gia tăng tổng cầu trong nước, được phản ánh qua mức tăng ổn định của lạm phát tiêu dùng”.
Yếu tố mùa cũng tác động đến giá dầu. Theo ông Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp tại Price Futures Group, các quỹ đầu cơ đang bắt đầu mua vào khi nguồn cung tại châu Âu được dự báo sẽ thắt chặt hơn trong mùa Đông năm nay.
Tại Syria, sau khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, các lực lượng nổi dậy đang nỗ lực thành lập chính phủ mới và khôi phục trật tự. Ngành ngân hàng và dầu mỏ của Syria dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 11/12.
Chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của IG nhận định: “Tình hình căng thẳng ở Trung Đông dường như đang được kiểm soát, khiến tỷ lệ các nhà đầu tư đánh giá rủi ro khu vực mở rộng, dẫn đến sự gián đoạn đáng kể nguồn cung dầu, là khá thấp”.
Dù không phải là nhà sản xuất dầu lớn, Syria nằm ở vị trí chiến lược và có mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Iran.
Giá dầu có thể nhận được sự hỗ trợ nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm như dự kiến trong cuộc họp ngày 17-18/12. Động thái này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi dữ liệu lạm phát trong tuần này để đánh giá liệu quyết định cắt giảm lãi suất có bị ảnh hưởng hay không.