Giá dầu bật tăng mạnh do yếu tố Trung Quốc

Dầu thô đã có một khởi đầu năm đầy “sóng gió”, giá dầu giảm khoảng 10% trong 2 phiên đầu năm và rồi tăng khi mà quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Giá dầu phục hồi trong phiên giao dịch ngày thứ Năm khi mà nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục sẽ khiến cho nguồn cung giảm đi, nguồn dự trữ từ Mỹ dù tăng lên cũng sẽ không gây dư thừa quá nhiều.

Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ trên thị trường New York tăng 1,1% lên 80,33USD/thùng. Giá dầu dao động tăng giảm nhiều lần trong ngày giao dịch, trước đó trong phiên giá dầu có lúc giảm 1,7% và rồi sau đó tăng đến 2,1% so với mức chốt phiên ngày thứ Tư.

Biến động giá dầu xảy ra khi mà JP Morgan Chase & Co nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu và khẳng định rằng tiêu thụ dầu nhiều khả năng sẽ tăng lên ước tính 16 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nỗi sợ tăng trưởng kinh tế đi xuống tại Mỹ sẽ vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến phố Wall, chính vì vậy một số nhà đầu tư tránh nắm giữ các tài sản rủi ro.

“Tình hình kinh tế vĩ mô đang tạo ra nhiều rủi ro với quá trình tăng giá của dầu, chính vì vậy, giá hàng hóa sẽ vẫn khó tăng mạnh trong ngắn hạn cho tới khi chúng ta thấy bằng chứng rằng nhu cầu tại Trung Quốc đang tăng nhanh hoặc các thách thức vĩ mô hạ nhiệt”, nhà đầu tư cao cấp tại quỹ CIBC Private Wealth Management – bà Rebecca Babin phân tích.

Nhà đầu tư trên thị trường đã tính toán đến dự trữ tăng cao tại khu vực Cushing sau khi dự trữ tại đây tăng mạnh nhất tính từ tháng 4/2020, hậu quả tất yếu từ việc các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa trong tháng trước.

Dầu thô đã có một khởi đầu năm đầy “sóng gió”, giá dầu giảm khoảng 10% trong 2 phiên đầu năm và rồi sau đó hồi phục trở lại khi mà quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Triển vọng nhu cầu dầu hiện vẫn đang là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường, nhóm các nền kinh tế phát triển của thế giới đang chờ đợi cơ hội để “hạ cánh mềm” khi mà lãi suất tăng cao và Trung Quốc lặp lại các biện pháp kiểm soát COVID-19.

“Quá trình mở cửa này đang diễn ra nhanh hơn so với tính toán ban đầu của chúng ta. Thực tế này mở ra khả năng rằng Trung Quốc đang hướng đến quá trình phục hồi kinh tế và dự kiến sẽ tăng tốc trong tháng 2/2023 sau khi Tết Nguyên đán kết thúc”, chuyên gia phân tích thuộc JP Morgan – bà Natasha Kaneva phân tích.

Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 252,40 điểm tương đương 0,76% xuống 33.044,56 điểm và như vậy có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, đồng thời để mất thành quả tăng điểm của thời kỳ đầu năm đến nay. Chỉ số Dow Jones hiện giảm 0,31% trong năm 2023.

Trong khi đó, chỉ số S&P 500 hạ 0,76% xuống 3.898,85 điểm còn chỉ số Nasdaq mất 0,96% xuống 10.852,27 điểm. Cả hai chỉ số vẫn trong trạng thái tăng điểm tính từ đầu năm 2023.

Cả ba chỉ số này đang hướng đến tuần giảm điểm đầu tiên trong 3 tuần gần nhất. Chỉ số Dow Jones hạ 3,67% và nhiều khả năng sẽ có tuần giảm sâu nhất tính từ tháng 9/2022. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đã hạ hơn 2% trong tuần này.

Thị trường chứng khoán giảm điểm sâu trong phiên ngày thứ Năm sau khi số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống mức thấp nhất tính từ tháng 9/2022, theo Bộ Lao động công bố. Những số liệu này cho thấy rằng thị trường lao động vẫn vững vàng dù kinh tế tăng trưởng chậm lại.

“Bất chấp tất cả các đợt sa thải của doanh nghiệp công nghệ lớn, thị trường lao động hiện vẫn vững vàng. Thị trường lao động cần phải có khoảng nghỉ để Fed có thể giữ lãi suất ổn định”, chuyên gia phân tích cao cấp về thị trường và đầu tư tại quỹ Oanda – ông Ed Moya phân tích.

Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 14/1/2022 chỉ đạt 190.000, giảm đến 15.000 so với thời kỳ trước đó. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones đã dự báo về con số 215.000.

Nhà đầu tư đón nhận nhiều thông tin kinh tế gần đây và những tuyên bố của Fed để có thể biết được lãi suất sẽ tăng cao đến đâu. Tuy nhiên dù rằng những số liệu gần đây phát đi thông điệp về việc lạm phát hạ nhiệt, CEO của JP Morgan Chase đã dự báo về khả năng lãi suất sẽ vượt mức 5%.

“Tôi nghĩ rằng vẫn có yếu tố lạm phát ngầm, và chắc chắn chỉ số này sẽ không giảm quá nhanh”, ông Dimon nói với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.

Nhóm các ngân hàng lớn nhất của Mỹ nâng mạnh lãi suất cho vay, tất cả những động thái này nhiều khả năng sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái ngay trong năm 2023, dù rằng tác động của các đợt điều chỉnh lãi suất mới chỉ bắt đầu, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE