Theo Reuters, ngày 16/10, lãnh đạo tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, ông Alexei Miller cảnh báo kế hoạch áp giá trần đối với khí đốt xuất khẩu của Nga sẽ khiến nguồn cung bị gián đoạn.
Trong bài phát biểu phát sóng trên truyền hình quốc gia, ông Miller phân tích: "Quyết định một chiều như vậy tất nhiên là vi phạm các hợp đồng hiện hành, điều này sẽ dẫn đến việc ngừng nguồn cung."
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dọa cắt nguồn cung năng lượng nếu bị áp giá trần, đồng thời cảnh báo phương Tây rằng họ sẽ bị "đóng băng" như đuôi sói trong câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Nga.
Việc cắt giảm nguồn cung từ Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia và nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sẽ làm chao đảo thị trường năng lượng toàn cầu, khiến nền kinh tế thế giới phải đối mặt với giá năng lượng thậm chí còn cao hơn.
Xung đột ở Ukraine đã khiến các khách hàng trong Liên minh châu Âu (EU) giảm mua năng lượng của Mosvka trong khi Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và EU đang tìm cách áp giá trần đối với dầu và khí đốt của Nga.
Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/10 ở Cộng hòa Séc, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên trong khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là một trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cũng kỳ vọng những đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh chính thức của khối sau đây 2 tuần.
Trong nhiều tuần qua, EU đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt gồm giới hạn giá đối với tất cả khí đốt, áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng cho sản xuất điện, áp giá trần đối với khí đốt của Nga.