Phát biểu tại một sự kiện ở Rome, Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti nhận định: “Chúng tôi đã được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thuận lợi ở mức gần bằng hoặc dưới 0, nhưng điều này đang thay đổi”.
ECB hôm 15/12 đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Điều này mặc dù đã được dự đoán rộng rãi những vẫn khiến những người mong rằng xu hướng tăng như vậy sắp kết thúc phải thất vọng. Thậm chí, ECB còn báo hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách trong những tháng tới.
Quyết định của ECB đã vấp phải sự chỉ trích của các quan chức Italy. Họ cho rằng ECB đang gây áp lực tài chính lên một trong những quốc gia mắc nợ nhiều nhất Khu vực đồng euro (Eurozone).
Phó Thủ tướng Italy và là lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini đã dùng những từ ngữ như "không thể tin được, gây trở ngại, đáng lo ngại" khi nói về quyết định của ECB.
Bộ trưởng Giorgetti, một thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn, cho rằng việc tăng lãi suất "theo một cách nào đó buộc chúng ta (Italy) cẩn thận hơn nữa với tài chính công và đánh giá hậu quả đối với nền kinh tế thực".
Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao ảnh hưởng đến nền kinh tế, Italy đã dành khoảng 21 tỷ euro trong kế hoạch ngân sách năm 2023, hiện đang chờ Quốc hội thông qua, để giúp các công ty và gia đình chi trả hóa đơn tiền điện và khí đốt trong quý đầu tiên của năm tới.
Bộ trường Giorgetti cảnh báo sẽ là "không thực tế" khi kỳ vọng những hóa đơn này sẽ “hạ nhiệt” vào tháng Ba và cho biết Italy đang xem xét các biện pháp cứu trợ mới, bao gồm một kế hoạch thiết lập giá bảo vệ cho mức tiêu thụ năng lượng tương đương khoảng 70-80% của những năm trước.
Ông cho biết cơ chế này có thể có hiệu lực vào mùa Xuân tới với mục đích khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng. Bộ trưởng cũng kêu gọi Liên minh châu Âu đưa ra phản ứng mạnh mẽ và chiến lược đối với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ, mà ông cho rằng đang gây ra các mối đe dọa cho nền kinh tế Italy.
"Một số công ty Italy đang xem xét chuyển sản xuất sang Mỹ theo kế hoạch IRA, đó sẽ là một thảm họa", ông Giorgetti nói.
EU lo ngại rằng Đạo luật IRA trị giá 430 tỷ USD của Mỹ, với các khoản giảm thuế hào phóng cho hoạt động sản xuất của ngành năng lượng trong nước, có thể thu hút các doanh nghiệp EU và gây bất lợi cho các công ty châu Âu, từ các nhà sản xuất ô tô đến các nhà sản xuất công nghệ xanh.