Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á đã có sự phân hóa nhẹ giữa các thị trường. Các chỉ số TWSE (+0,07%), KLSE (+0,35%), STI (+0,46%), SHMCP (+1,26%) cùng tăng điểm trong khi NIKKEI 225 (-0,32%), KOSPI (-0,03%) giảm điểm không đáng kể.
Những vận động kể trên của chứng khoán khu vực khó khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam gặp xáo trộn. Thay vào đó, yếu tố gây xáo trộn đến từ những vận động của cổ phiếu DXG sau khi có thông báo phát hành cổ phiếu. Mã này đã giảm kịch sàn và góp phần khiến tâm lý nhà đầu tư gặp phải thử thách.
Chất xúc tác
Trong khi đó, biến số có ảnh hưởng lớn tới thị trường là tỷ giá vẫn còn nguyên tính thời sự. Giá bán USD đã vươn lên 25.900 VND/USD dù cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái bán ra USD từ nguồn dự trữ ngoại hối trong tuần vừa qua.
Trong ngày hôm qua, NHNN cũng quay lại bơm ròng 22.200 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch hiện đang có 32.999,93 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 82.253 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Nhìn chung, sự can thiệp của cơ quan quản lý hiện cũng cần thêm sự hỗ trợ từ tín hiệu hạ nhiệt của chỉ số DXY.
Còn với nhà đầu tư nước ngoài, áp lực bán ra trong giai đoạn cuối năm đã phần nào suy yếu khi nhiều thị trường bước vào kỳ nghỉ đông. Khối ngoại đã quay lại mua ròng hơn 40 tỷ đồng. Qua đó, có 2/3 phiên bơm ròng vào thị trường.
Các mã BID (-66,1 tỷ đồng), NLG (-47,31 tỷ đồng), VRE (-41,7 tỷ đồng), VCB (-40,5 tỷ đồng), HPG (-40,5 tỷ đồng) đứng đầu ở chiều bán trong khi SSI (+60 tỷ đồng), MWG (+36,2 tỷ đồng), STB (+33,3 tỷ đồng), KDH (+26,83 tỷ đồng) lại có lực mua vào.
Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư ngoại chiếm hơn 10% trong 1 phiên có thanh khoản vượt mức bình quân 20 phiên. Khớp lệnh của HOSE đã tăng 35,4% so với phiên hôm qua, lên 520,7 triệu đơn vị.
Vận động thị trường
Thông tin đáng chú ý nhất đầu phiên liên quan đến DXG chuẩn bị chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. DXG và DXS đã gặp áp lực bán mạnh từ đầu phiên sáng và cùng chốt phiên với trạng thái giảm kịch sàn. Kết phiên, DXG vẫn còn dư bán giá sàn hơn 15 triệu cổ phiếu sau khi khớp gần 900 tỷ đồng, còn DXS dư bán hơn 1,5 triệu cổ phiếu.
Tác động của DXG được ghi nhận ở các cổ phiếu Bất động sản khác như DPG (-5%), CSC (-3,1%), HDC (-3,1%), PDR (-2,9%), NTL (-2,6%), NLG (-1,5%), DIG (-1%), TCH (-1,3%), HHS (-1,3%).
Các cổ phiếu lớn chỉ thực sự hỗ trợ thị trường trong phiên chiều sau khi chứng kiến VN-Index bị nhúng về 1.253 điểm. Các mã STB (+0,6%), MWG (+0,5%), ACB (+0,4%), FPT (+0,4%), SSI (+0,4%) đã kéo VN30 (+0,02%) kịp thời đảo chiều ngay trong phiên ATC.
Nhóm cổ phiếu Chứng khoán thực tế chỉ vận động giằng co thay vì cuốn theo những biến động của nhóm Bất động sản. Ngoài SSI tăng giá, DSE cũng tăng 1,3% trên HOSE, PSI tăng 2,8% trên HNX và AAS (+14,3%) tăng trần trên UPCoM.
Trong khi đó, dòng tiền cũng tiếp tục tranh thủ đi tìm các cơ hội ở nhóm cổ phiếu "ngách". YEG vẫn tăng trần, VOS, SCS, CSV cùng tăng trên 5%.
Chỉ số VN-Index tới cuối phiên vẫn kịp đóng cửa ở mốc 1.260 điểm, và chỉ còn giảm 2,4 điểm (-0,19%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 15.972 tỷ đồng tương đương 643,16 triệu đơn vị.
Còn HNX-Index giảm 0,07% xuống 228,36 điểm với thanh khoản sàn đạt 59,35 triệu đơn vị, tương đương 1.162 tỷ đồng.
Trên UPCoM, HNM đóng cửa tăng trần còn HBC tăng 9,5%, MCH tăng 3,14%. Chỉ số UPCoM-Index chốt phiên tăng 0,32% lên 94,02 điểm với thanh khoản sàn đạt 71,7 triệu đơn vị, tương đương 1.177 tỷ đồng.