Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sâu trong ngày thứ Tư sau khi chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói rằng lạm phát hiện vẫn quá cao, đồng thời phát đi thông điệp chính sách rằng ngân hàng trung ương sẽ vẫn có những lần nâng lãi suất sắp tới.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 505,44 điểm tương đương 1,55% xuống 32.147,76 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 2,5% xuống 3.759,69 điểm còn chỉ số Nasdaq hạ 3,36% xuống 10.524, 8 điểm.
Fed đã áp dụng quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm vào chiều ngày thứ Tư, đồng thời ông Powell nói trong cuộc họp báo rằng cuộc chiến lạm phát dương như chưa kết thúc.
“Chúng tôi vẫn có những hướng điều chỉnh chính sách, và những số liệu từ cuộc họp từ cuộc họp lần gần nhất cho thấy mức độ lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn so với tính toán trước đây”, ông nói. Cũng theo ông Powell, hiện vẫn còn quá sớm để nói đến việc hãm tốc độ nâng lãi suất.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tăng điểm sau khi Fed nâng lãi suất kèm thông báo về khả năng thay đổi chính sách trong tương lai. “Khi quyết định tốc độ nâng lãi suất trong tương lai trong ngưỡng mục tiêu, ủy ban vẫn tính đến việc siết chặt chính sách tiền tệ tổng thể, độ trễ của chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và lạm phát cũng như các diễn biến kinh tế, tài chính”, tuyên bố nhấn mạnh.
“Cách nói của chủ tịch Fed Jerome Powell dường như vẫn khá cứng rắn, điều đó đồng nghĩa rằng Fed sẽ vẫn tiếp tục kiềm chế lạm phát, mức độ nâng lãi suất sẽ cao hơn so với tính toán trước đó”, chuyên gia quản lý quỹ tại quỹ Brandywine Global – ông Jack McIntyre phân tích. Cũng theo ông McIntyre, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ trở nên mềm mỏng hơn.
Cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm tiêu dùng và công nghệ thông tin giảm sâu nhất so với các cổ phiếu khác. Chỉ số các cổ phiếu ngành thuộc S&P 500 giảm đến hơn 3%. Cổ phiếu Amazon, Netfflix và Meta Platforms giảm hơn 5%. Cổ phiếu Tesla và Salesforce giảm lần lượt 5,6% và 6,1%.
Quyết định của Fed được đưa ra sau khi số liệu thị trường việc làm tích cực được công bố, số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân cao hơn kỳ vọng cho thấy thị trường lao động vẫn vữngvàng. Báo cáo của JOLTS vào ngày thứ Ba đã khẳng định điều này.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong ngày thứ Hai, tuy nhiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones khép lại tháng tăng điểm mạnh nhất tính từ năm 1976, các chỉ số chính của thị trường như vậy chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm điểm.
Phiên ngày thứ Sáu tuần trước, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 128,85 điểm tương đương 0,39% xuống 32.732,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,75% xuống 3.871,98 điểm còn chỉ số Nasdaq hạ 1,03% xuống còn 10.988,15 điểm.
Thị trường đã hồi phục mạnh trong tháng 10/2022. Chỉ số Dow Jones dẫn dắt đà tăng điểm của thị trường, trong tháng, chỉ số tăng đến 13,95%. Chỉ số của 30 cổ phiếu này đã khép lại tháng tăng điểm mạnh nhất tính từ năm 1976 khi mà nhà đầu tư tin rằng sẽ có thêm doanh nghiệp ví như ngân hàng kéo thị trường lên điểm. Chỉ số S&P và Nasdaq tăng ước tính 8% và 3,9% trong tháng 10/2022.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại tập đoàn Carson, ông Ryan Detrick, nhận xét: “Thị trường đang “tạm nghỉ” sau khoảng thời gian tăng điểm mạnh vào tuần trước. Nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu mới từ cuộc họp bàn về chính sách của Fed cũng như quyết định lãi suất vào ngày thứ Tư, sự hãm lại này khiến cho sự trầm lắng dâng cao hơn”.
Thị trường vẫn tăng điểm trong tháng 10/2022 dù rằng kết quả kinh doanh quý 3/2022 phát đi tín hiệu trái chiều. Tăng trưởng kinh tế chững lại và nhiều yếu tố gây thất vọng từ các doanh nghiệp công nghệ lớn như Meta hay Amazon không khỏi tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, các cổ phiếu này kéo thị trường giảm điểm khi mà nhà đầu tư rút tiền khỏi những lĩnh vực tăng trưởng.