Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu, thị trường như vậy khép lại một tuần giao dịch vô cùng nhiều biến động chỉ một ngày sau khi đảo chiều tăng mạnh khi mà nhà đầu tư đón nhận thông tin về lạm phát kỳ vọng.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 403,89 điểm tương đương 1,34% xuống còn 29.634,83 điểm. Tính cả tuần, chỉ số tăng 1,15%. Chỉ số S&P 500 mất 2,37% giá trị xuống còn 3.583,07 điểm và như vậy có phiên giảm điểm thứ 7 trong 8 phiên gần nhất.
Chỉ số Nasdaq hạ 3,08% và chốt ngày giao dịch ở 10.321,39 điểm, chỉ số này chịu sức ép bởi sự suy giảm của cổ phiếu Tesla và Lucid Motors, hai cổ phiếu này giảm lần lượt 7,55% và 8,61%.
Cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm điểm trong tuần, mức hạ ghi nhận lần lượt 1,55% và 3,11%.
Thị trường chứng khoán giảm xuống những mức thấp trong phiên khi mà kết quả khảo sát mới đây từ đại học Michigan cho thấy lạm phát kỳ vọng đang tăng lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ theo dõi chặt chẽ chỉ số này. Chỉ số Nasdaq kéo đà suy giảm của thị trường bởi nhóm doanh nghiệp tăng trưởng dễ chịu ảnh hưởng nhất từ những đợt nâng lãi suất.
Cùng lúc đó, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm vượt mức 4% lần thứ 2 trong 2 ngày khi mà nhà đầu tư phản ứng với thông tin lạm phát cao vượt kỳ vọng.
Thị trường biến động tăng giảm điểm mạnh trong suốt tuần vừa qua khi mà nhà đầu tư cân nhắc đến những số liệu lạm phát mới được công bố. Vào ngày thứ Năm, thị trường có phiên hồi phục ngoạn mục. Chốt phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones tăng 827 điểm sau khi giảm đến 500 điểm trong ngày giao dịch. Chỉ số S&P 500 tăng 2,6% và chấm dứt chuỗi 6 ngày mất điểm, chỉ số Nasdaq tăng 2,2%.
Phiên giao dịch ngày thứ Năm đánh dấu phiên đảo chiều trong ngày mạnh nhất trong lịch sử của chỉ số S&P 500, theo số liệu của SentimenTrader.
Diễn biến mới nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ xảy ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng Mỹ, một chỉ số quan trọng của kinh tế Mỹ, trong tháng 9/2022 tăng cao hơn so với kỳ vọng. Thông tin về chỉ số lạm phát không khỏi gây sức ép lên tâm lý của nhà đầu tư khi mà họ đang phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc Fed sẽ nâng mạnh lãi suất đồng USD.
Lạm phát dai dẳng hiện vẫn đang là vấn đề đối với Fed và những nhà đầu tư hiện đang lo lắng về kịch bản siết chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
“Khi mà chỉ số CPI lõi vẫn tăng nóng còn thị trường lao động tăng trưởng mạnh, hiện tại các điều kiện không phù hợp để Fed chuyển hướng chính sách, đây có thể là một trong những điều kiện đảm bảo cho đà tăng điểm trên thị trường chứng khoán”, giám đốc bộ phận quản lý tài sản tại quỹ của ngân hàng UBS – ông Mark Haefele phân tích.
Cũng theo ông Haefele, khi mà lạm phát vẫn ở ngưỡng cao trong thời gian dài và Fed nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cao hơn nữa, rủi ro siết chặt chính sách sẽ tăng cao hơn đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, gây tổn hại đến triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 9/2022 tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, thực tế này gây sức ép lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc kiềm chế lạm phát.
Như vậy khả năng Fed nâng lãi suất mạnh tay để hạ nhiệt đà tăng của lạm phát gần như chắc chắn sẽ xảy ra, theo nhận định được Bloomberg đưa ra trong bài báo mới đây.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, trong tháng 9/2022 tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước lên ngưỡng cao nhất tính từ năm 1982, Bộ Lao động Mỹ công bố. Còn nếu so với tháng liền trước, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,6% đến tháng thứ 2 liên tiếp.
Chỉ số CPI nói chung tăng 0,4% trong tháng 9/2022 và tăng 8,2% so với cùng kỳ. Các chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đã dự báo về mức tăng tháng 0,4% với chỉ số giá tiêu dùng lõi và mức tăng 0,2% với chỉ số giá tiêu dùng toàn phần.
Giá cả của một loạt các loại mặt hàng đều tăng. Chỉ số nhà ở, thực phẩm và y tế đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Giá xăng và xe ô tô đã qua sử dụng giảm.