
Tỷ giá biến động khoảng 5%
Trong báo cáo vĩ mô mới cập nhật, các chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định, biến động tỷ giá tại Việt Nam phản ánh thực trạng áp lực tăng cao từ các yếu tố kinh tế vĩ mô và xu hướng điều chỉnh của thị trường ngoại hối trong bối cảnh quốc tế đầy biến động.
Theo số liệu từ báo cáo, chỉ số sức mạnh USD (DXY) ghi nhận mức tăng liên tục từ cuối năm 2024, đạt gần 109 điểm vào tháng 1/2025, cho thấy sự mạnh lên của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Trong tháng 2/2025, DXY chủ yếu dao động ổn định trong khoảng 106 - 109 điểm sau đợt tăng vọt ngắn trước đó.
Những bất định từ chính sách thương mại và căng thẳng địa chính trị đã khiến các nhà đầu tư thận trọng. Theo đánh giá từ nhóm phân tích, DXY dự kiến sẽ duy trì mức ổn định trong ngắn hạn, trong khi triển vọng dài hạn phụ thuộc vào diễn biến của chính sách thương mại và các khác biệt tiền tệ toàn cầu.
Đối với thị trường trong nước, tỷ giá có xu hướng tăng đột biến với mức giao dịch tại các ngân hàng thương mại đạt khoảng 25.200 - 25.600 VND/USD, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải can thiệp mạnh mẽ qua việc bán ngoại tệ giao ngay và triển khai hợp đồng kỳ hạn nhằm ổn định thị trường. Bên cạnh đó, NHNN đã chủ động nâng tỷ giá trung tâm vào ngày 10/1 lên 24.338 và ghi nhận tại ngày 24/2/2025 là 24.646.

Theo VPBankS, xu hướng tăng của tỷ giá và sức mạnh DXY đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Sự mất giá của VND có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài trì hoãn, gây áp lực lên cán cân thanh toán. Trong cả năm vừa qua, NHNN đã triển khai các chính sách linh hoạt, bao gồm điều hành lãi suất, điều tiết thanh khoản và can thiệp thông qua dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá. Do vậy, chuyên gia cho rằng hoàn toàn có thể kỳ vọng trong năm 2025 và giai đoạn sắp tới, NHNN sẽ vẫn tiếp tục điều hành và kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp, không quá biến động trong mức 5%, từ đó hỗ trợ tăng trưởng ổn định nền kinh tế.
Dù vậy, chuyên gia cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp nhập khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn hoặc quyền chọn.
“Sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và các giải pháp hỗ trợ từ phía doanh nghiệp là yếu tố then chốt để duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh biến động tỷ giá ngày càng mạnh mẽ”, các chuyên gia nhận định.
Lãi suất liên ngân hàng khó tăng mạnh
Liên quan đến lãi suất, trong giai đoạn đầu năm, lãi suất liên ngân hàng không quá biến động, dao động quanh mức 3,79% - 4,95% trong tháng 1/2025. Sự ổn định này phần nào đến từ các đợt can thiệp của NHNN qua các kênh OMO như tín phiếu và REPO, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được điều chỉnh cho phép duy trì mức ổn định trong hệ thống.
Chuyên gia VPBanks dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ biến động linh hoạt theo cung - cầu vốn, nhưng khó có khả năng tăng mạnh nhờ chính sách điều tiết phù hợp từ NHNN.
Mặt bằng lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại trong giai đoạn đầu năm 2025 nhìn chung vẫn ở mức ổn định. Điều này cho thấy thanh khoản hiện tại vẫn ở mức tương đối ổn định về tất cả các kỳ hạn.

Trong năm 2025, các chuyên gia VPBankS kỳ vọng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% và mặt bằng lãi suất tiếp tục được kiểm soát ở mức tương đương 2024 nhằm mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với các biện pháp kiểm soát thanh khoản và điều tiết tỷ giá từ NHNN.
Theo các chuyên gia, với áp lực từ lãi suất quốc tế, đặc biệt từ các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dù chậm nhưng đã kết thúc giai đoạn thắt chặt, NHNN có thể sử dụng các công cụ tiền tệ để ổn định thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp.
"Nhìn chung, lãi suất trong năm 2025 sẽ phản ánh sự ổn định và cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và tăng trưởng bền vững.", VPBankS nhận định.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích cũng cảnh báo rủi ro vẫn hiện hữu bởi sự bất định từ chính sách tiền tệ toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ (những chính sách tiềm ẩn của ông Trump), cùng với áp lực tỷ giá (khi đồng USD có xu hướng tăng) được xem là những ẩn số có thể gây áp lực lên cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay.