VN-Index đã tăng 13,64% trong quý I/2024, xin ông đưa ra những nhận định đánh giá về thành quả chỉ số trong 3 tháng đã qua?
Trước tiên cần nhìn nhận thành quả này trong bức tranh chung của thị trường chứng khoán toàn cầu. Rõ ràng chứng khoán toàn cầu đang trong những ngày tháng tươi đẹp khi hầu hết các thị trường đều có mức tăng trưởng tốt trong quý I/2024. Mức tỷ suất lợi nhuận quanh 10% là tương đối phổ biến ở nhiều thị trường.
Chứng khoán Việt Nam bay cao trong quý I nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng, mặt bằng lãi suất huy động thấp chưa từng có và kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế. Thêm vào đó kỳ vọng nâng hạng thị trường cũng là một trong những yếu tố giữ lửa cho thị trường kèm theo những động thái hết sức sát sao của cơ quan quản lý cho nỗ lực nâng hạng.
Việt Nam có những câu chuyện riêng nhất định, tuy nhiên có thể thấy trong những năm gần đây, tính dẫn dắt của thị trường thế giới là rất lớn. Do đó thị trường Việt Nam hiện đang khỏe và nhiều thông tin tốt, nhưng những diễn biến chung của thị trường thế giới trong quý II sẽ mang tính quyết định. Đặc biệt những diễn biến liên quan đến động thái về chính sách tiền tệ của FED cũng như bầu cử cuối năm của nhiều quốc gia lớn sẽ cần được để mắt một cách cẩn trọng.
Hoạt động bán ròng cũng ghi nhận giá trị lớn với HOSE bị bán ròng tới 13.862 tỷ đồng trong quý I/2024. Theo ông, áp lực bán ròng này sẽ được thị trường hấp thụ như thế nào?
Trái với tất cả những câu chuyện đang được kể về kỳ vọng thu hút dòng vốn ngoại nếu được nâng hạng, khối ngoại tiếp tục bán ròng trong suốt 2023 và kéo dài sang 2024. Trước đó giai đoạn 2021-2022 cũng chứng kiến đà bán ròng dứt khoát, ngoại trừ thời điểm khi thị trường giảm sâu dưới 1.000 điểm mới có lực cầu bắt đáy rõ ràng.
Diễn biến này hiện tại được giải thích bởi sự chênh lệch lãi suất trong nước và thế giới. Thêm vào đó, giá đã tăng nhiều trong thời gian ngắn và việc chốt lời là rất bình thường. Ngoài ra, dù kinh tế đang phục hồi nhưng không phải chúng ta không có những điểm tối còn tồn đọng nhất định về mặt vĩ mô.
Hiện tại thanh khoản thị trường đã ở ngưỡng đều đặn ở mức cao, trên dưới 1 tỷ đô/phiên, do đó đà bán ròng chưa gây áp lực nếu tiền nội còn khỏe. Nhưng khi tiền nội suy yếu, đà bán ròng trước đó sẽ là vấn đề.
Chuỗi tăng điểm ngắn hạn cũng đã duy trì sang 3 tuần liên tiếp. Dù vậy, đà tăng của chỉ số lại yếu hơn so với 2 tuần trước, theo ông, nhà đầu tư cần lưu ý gì về xu hướng ngắn hạn của chỉ số. Cơ hội giao dịch cho dòng tiền sẽ được duy trì ở những nhóm ngành nào?
Thị trường đã có những cơ họi rất tốt để vượt hẳn vùng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm nhưng cuối cùng dòng tiền vẫn không lan tỏa đủ mạnh. Có một vài điểm cần thấy rõ trong cú rướn tuần qua.
Đà tăng vẫn chỉ tập trung ở một số mã nhất định. Có những phiên một vài mã ngân hàng có những thông tin riêng tăng sát giá trần gồng gánh chỉ số.
Do đó độ rộng vẫn đang cho thấy sự phân kỳ khá rõ dù chỉ số lên ngưỡng cao mới. Tín hiệu dòng tiền theo PTKT cũng cho thấy sự suy yếu ngày một rõ với sự phân kỳ của rất nhiều chỉ báo.
Thị trường chưa điểm kích hoạt sự đảo chiều và bán tháo mạnh. Tuy nhiên các tín hiệu đã càng rõ hơn cho thấy ở vùng này rủi ro nhiều hơn cơ hội.
Trong mùa KQKD và ĐHĐCĐ, dòng tiền sẽ xoay quanh những cổ phiếu cụ thể có tin và diễn biến theo ngành có thể không rõ nét. Tuy nhiên tóm lại, dòng tiền vẫn chưa suy yếu quá rõ, nhưng với ngành nào cũng vậy, cổ phiếu nào cũng vậy, cần cân nhắc hết sức rủi ro và lợi nhuận.
Thứ Hai tuần này, VNDIRECT có thể sẽ trở lại giao dịch. Đây sẽ là bài test cung và bài test tâm lý chung cho cả thị trường.
Xin cảm ơn ông!