Ngành công nghệ thế giới là ngành dễ chịu ảnh hưởng nhất từ các biến động tỷ giá tiền tệ. Cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ trong S&P 500 có tỷ trọng đến 58% doanh thu từ các thị trường nước ngoài, mức độ phụ thuộc thị trường nước ngoài cao nhất trong 11 nhóm ngành thuộc chỉ số này.
Apple công bố doanh thu của hãng trong quý 4/2022 giảm đến 5%, mức giảm ghi nhận cao hơn so với kỳ vọng, theo lý giải của Apple, việc doanh thu sụt giảm có nguyên nhân trực tiếp từ môi trường tỷ giá ngoại hối đầy biến động.
“Chúng tôi hy vọng khi thời gian qua đi, mọi chuyện rồi cũng dần cải thiện”, Giám đốc tài chính của Apple – ông Luca Maestri nói khi nhắc đến sự sụt giảm của đồng USD với lợi nhuận của doanh nghiệp.
IBM công bố doanh thu đi ngang trong quý 4/2022, đồng USD mạnh được giải thích là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp. IBM dự báo tỷ giá ngoại hối sẽ không còn ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của doanh nghiệp từ nửa sau của năm 2023.
“Có thể khẳng định rằng mức độ thay đổi của tỷ giá đồng USD trong thời gian qua là cao nhất mà chúng tôi từng chứng kiến trong suốt nhiều thập kỷ. Chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc đó”, giám đốc tài chính của IBM – ông James Kavanaugh phân tích.
Thời gian gần đây, việc đồng USD hạ giá trở lại tuy nhiên đã không mang đến nhiều hiệu ứng tốt cho các doanh nghiệp đa quốc gia như kỳ vọng.
Nhóm các doanh nghiệp thuộc S&P 500 có khoảng hơn nửa tổng doanh thu từ bên ngoài nước Mỹ dự kiến sẽ công bố lợi nhuận quý 4/2022 giảm 8,7%, theo tính toán của FactSet tính đến ngày thứ Hai. Ngược lại, nhóm các doanh nghiệp với tỷ trọng doanh thu từ Mỹ cao công bố kết quả lợi nhuận giảm 3%. Cho đến nay, khoảng 55% doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 thông báo kết quả kinh doanh sụt giảm.
Trong tuần trước, Apple, một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, đã công bố doanh thu sụt giảm sâu nhất trong gần 4 năm. Apple thông báo diễn biến tỷ giá bất lợi tạo ra nhiều thách thức cho hãng trong khoảng thời gian trên. Caterpillar và IBM trong khi đó gần đây cũng cho biết việc đồng USD mạnh lên cũng gây tổn hại đến kết quả kinh doanh của hãng.
Đồng USD vốn được coi như đồng tiền dự trữ của thế giới, được sử dụng để giao dịch hàng hóa giữa các nước, vì vậy diễn biến tỷ giá đồng USD có thể thấy rõ ràng trên khắp thế giới. Những doanh nghiệp bán hàng hóa ra nước ngoài đặc biệt dễ chịu tác động từ thay đổi tỷ giá của đồng USD tăng vọt. Doanh thu của họ tại các thị trường bên ngoài nước Mỹ sau khi quy đổi sẽ giảm đi.
Tính từ mức đỉnh vào tháng 9/2022, đồng USD hiện đã giảm 8%. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu vẫn chưa khá hơn bởi đồng tiền này hiện đang ở ngưỡng cao trong lịch sử, mức tăng ở hiện tại ghi nhận khoảng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
“Quý 4/2022 chứng kiến sự sụt giảm của đồng USD, thế nhưng ảnh hưởng thực sự chưa rõ nét”, đồng trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Truist Advisory Services – ông Keith Lerner phân tích.
Ông Lerner nói thêm rằng ông không tin đồng USD sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian quá lâu, ông dự báo đồng USD sẽ giảm trong vài tháng tới.
Trong suốt khoảng thời gian hơn 1 thập kỷ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cơ chế tỷ giá trên thế giới biến động khá ổn định trong biên độ hẹp khi mà các ngân hàng trung ương đều duy trì lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã giúp thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh, các chỉ số lập kỷ lục.
Tình hình thị trường ngoại hối bắt đầu thay đổi từ năm ngoái. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng mạnh lãi suất nhằm kiềm chế đà tăng của giá cả tiêu dùng, động thái này tác động đến giá cả của mọi loại tài sản, từ cổ phiếu công nghệ cho đến trái phiếu hay giá dầu. Chỉ số WSJ, chỉ số đo lường diễn biến của đồng USD so với 16 loại tiền tệ lớn, tăng lên mức cao nhất trong 2 thập kỷ.
Wall Street Journal nhận định USD là đồng tiền chính được sử dụng trong thương mại và tài chính toàn cầu. Do đó, sự biến động tỷ giá của USD có tác động sâu rộng lên các nền kinh tế trên thế giới. Đồng USD mạnh lên khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn, trợ giúp cho nỗ lực chống lạm phát của FED, đồng thời mang lại sức mua tương đối cao cho người tiêu dùng Mỹ. Trong khi đó, phần còn lại của thế giới phải chịu không ít căng thẳng. Giáo sư về chính sách thương mại Eswar Prasad tại Đại học Cornell (Mỹ) cho biết: “Đồng USD tăng giá làm cho tình hình tồi tệ hơn ở phần còn lại của thế giới”.
Sự tăng giá của đồng USD gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế theo những cách khác nhau, như làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát. Theo Bloomberg, các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực đang phải vật lộn trước tình hình lãi suất cao, đồng USD tăng vọt và giá hàng hóa tăng. Khi USD tăng giá, việc thanh toán hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh tại những nước này trở nên khó khăn hơn.