Phiên cuối tuần 12/7, giá dầu thế giới giảm nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đánh giá niềm tin tiêu dùng của Mỹ yếu đi với hy vọng ngày càng tăng về việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 37 xu xuống còn 85,03 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 41 xu, tương đương 0,5%, xuống 82,21 USD/thùng.
Một cuộc khảo sát hàng tháng của Đại học Michigan cho thấy niềm tin tiêu dùng của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng vào tháng 7/2024, mặc dù kỳ vọng lạm phát trong những năm tới đã cải thiện.
Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 0,2% trong tháng 6/2024, cao hơn một chút so với dự kiến, do chi phí dịch vụ tăng lên. Tuy nhiên, các nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Lãi suất thấp hơn dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu.
Trước đó, trong phiên đầu tuần 8/7, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất một tuần qua, khi bão Beryl khiến các cảng và nhà máy lọc dầu dọc theo Vịnh Mexico phải đóng cửa, và khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza có thể xoa dịu lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Bão Beryl ập vào Texas với gió mạnh và mưa lớn khi đổ bộ vào đất liền. Các cảng dầu bị đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy và hơn 2,7 triệu hộ dân và doanh nghiệp bị mất điện. Texas là bang sản xuất dầu khí nhiều nhất của Mỹ.
Các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Gelber and Associates cho biết một phần của đợt giảm giá phiên này là do các nhà đầu tư giảm bớt các lệnh phòng ngừa rủi ro được đặt trước khi Bão Beryl đổ bộ, vì các cơ sở dầu thô ở các khu vực bị ảnh hưởng chỉ bị thiệt hại tương đối nhỏ.
Trong khi đó, ở Trung Đông, các cuộc đàm phán về kế hoạch ngừng bắn nhằm chấm dứt tình hình xung đột kéo dài chín tháng ở Gaza đang được diễn ra với sự trung gian của Qatar và Ai Cập.
Các nhà phân tích của công ty dầu khí Ritterbusch and Associates cho biết thị trường dầu bắt đầu tuần với áp lực giảm giá đáng kể do sự lạc quan về triển vọng của lệnh ngừng bắn ở Gaza khi các cuộc đàm phán đang diễn ra có vẻ như đang đạt được tiến triển.
Sang phiên 9/7, mặc dù giới giao dịch nhận được thông tin khẳng định cơn bão Beryl gây ít thiệt hại hơn dự kiến cho trung tâm sản xuất dầu của Mỹ ở Texas, song giá dầu vẫn giảm hơn 1%.
Bên cạnh đó, giới đầu tư dầu mỏ cũng có phản ứng trái chiều trước bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell. Phát biểu tại phiên điều trần trước Quốc hội vào ngày 9/7, ông cho hay nền kinh tế Mỹ không còn tăng trưởng quá “nóng” và thị trường việc làm đã được nới lỏng.
Mặc dù phát biểu của Chủ tịch Fed cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất sắp xảy ra, giá dầu vẫn giảm sâu hơn sau những nhận xét trên do nền kinh tế suy yếu có thể cản trở nhu cầu dầu thô.
Trong phiên giao dịch 10/7, giá dầu thế giới đi lên sau thống kê cho thấy dự trữ xăng và dầu thô giảm mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên, mối lo ngại dịu bớt về tác động của bão Beryl đã kiềm chế đà tăng của hàng hóa này.
Phiên này, giá dầu WTI có lúc đã tăng tới 1 USD, sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng xuống 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7, vượt xa dự báo của các nhà phân tích trước đó về mức giảm 1,3 triệu thùng. Dự trữ xăng giảm 2 triệu thùng xuống 229,7 triệu thùng, lớn hơn nhiều so với dự báo giảm 600.000 thùng của các nhà phân tích.
Đà tăng của giá dầu thế giới được duy trì sang phiên 11/7, với giá dầu Brent chốt phiên vượt 85 USD/thùng. Theo các nhà phân tích tại công ty năng lượng Growmark Energy, lạm phát hạ nhiệt và lãi suất giảm có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế mạnh hơn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã hạ dự báo về mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới tiếp tục chậm lại và mức tiêu thụ ở Trung Quốc giảm sút.
Báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ của IEA cho biết, nhu cầu dầu chỉ tăng 710.000 thùng/ngày trong quý II/2024, tốc độ chậm nhất trong hơn một năm. Đáng chú ý, tiêu thụ dầu ở Trung Quốc - động lực tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu từ lâu - đã giảm trong cả tháng Tư và tháng Năm.
Nhu cầu của Trung Quốc trong quý II/2024 cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023, thời kỳ nhu cầu năng lượng được hưởng lợi từ việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch COVID-19.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ của thị trường bất động sản, tiêu dùng suy yếu, dân số già hóa và căng thẳng địa chính trị.
IEA đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc trong năm nay khoảng 0,2 triệu thùng/ngày, xuống còn 17 triệu thùng/ngày. Mức tăng nhu cầu của Trung Quốc chậm lại còn 0,3 triệu thùng/ngày vào năm 2025, giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Theo IEA, việc trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch và tăng trưởng yếu cũng sẽ khiến ảnh hưởng của Trung Quốc trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu giảm, từ đóng góp khoảng 70% mức tăng năm ngoái xuống còn 40% trong năm nay và năm tới.
Các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Brazil sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, trong khi các nền kinh tế tiên tiến trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ghi nhận mức tiêu thụ giảm.
Trong khi đó, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, Gary Cunningham, cho rằng số liệu lạm phát đã kéo chỉ số USD giảm, từ đó hỗ trợ giá dầu. Đồng bạc xanh giảm giá có thể làm tăng nhu cầu của những người mua bằng các đồng tiền khác.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes ngày 12/7 cho biết số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, đã giảm một giàn xuống còn 478 giàn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.