Tâm lý của giới đầu tư tại Mỹ lẫn thế giới đã có sự hụt hẫng sau khi số liệu CPI tháng 1/2023 tại Mỹ nóng hơn dự báo của giới phân tích. Hệ quả của lạm phát vẫn sẽ là việc Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. 2/3 chỉ số quan trọng nhất tại thị trường đóng cửa giảm điểm nhẹ trong khi đó NASDAQ vẫn tăng 0,57%.
Tại châu Á, hầu hết các thị trường đều đang giảm điểm thể hiện rõ phản ứng với số liệu CPI của Mỹ. Trong số này, các thị trường tích cực nhất như Đài Loan, Hong Kong đang ghi nhận mức giảm trên 1%.
Nếu cuốn theo các diễn biến giảm chung của chứng khoán thế giới, VN-Index sẽ có khả năng bị ép về gần vùng 1.000 điểm. Tuy nhiên, các diễn biến trong sáng nay đang cho thấy tín hiệu tích cực hơn mong đợi.
Chất xúc tác
Dòng tiền ngoại chưa có chuyển biến mới khi vẫn đang giậm chân tại chỗ quanh mức 6.200 tỷ đồng. Phiên hôm qua, nhờ có sự xuất hiện của HPG nên hoạt động giải ngân đã được nối lại. Tính từ đầu năm, HPG vẫn đang là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, xếp trên STB, FUEVFVND và SSI. Cổ phiếu này cũng đã có thành tích tăng 14,44% từ đầu năm, tốt hơn STB (+8,44%) dù room cho nhà đầu tư ngoại vẫn còn rất lớn với khoảng 1,5 tỷ cổ phiếu.
Điểm chung của STB và HPG là đều có sự tham gia của các quỹ chủ động bên cạnh dòng tiền từ ETFs. Chính vì vậy, khi dòng tiền ETFs đã chững lại thì cả 2 vẫn nhận được tiền. Kể từ sau phiên 9/2, STB đã cạn room nên đã không xuất hiện ở top mua ròng.
Ở phiên sáng nay, khối ngoại bán ròng khá mạnh với giá trị rút ra hơn 200 tỷ đồng trong đó NVL (-70 tỷ đồng) đứng đầu, kế đến là DXG (-41 tỷ đồng), VHM (-40 tỷ đồng), VND (-31 tỷ đồng).
Với sự thất thường của khối ngoại, dòng tiền trong nước đang tìm đến câu chuyện không mới nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự, đó là đầu tư công. Trong năm 2023, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức kỷ lục, lên đến 756.111 tỷ đồng.
Vận động nhóm ngành
Các cổ phiếu Đầu tư công đã bị làm nguội trong đợt điều chỉnh từ đầu tháng 2 tuy nhiên trong sáng nay, những nỗ lực tăng giá đã xuất hiện trở lại đúng lúc. LCG, HHV, KSB, VCG, FCN đã cùng nhau tăng trần còn HT1 (+6,41%), CII (+4,3%), HSG (+2,02%), NKG (+3,26%) đều tăng giá khá tốt, qua đó thể hiện quyết tâm giữ xu hướng tăng giá. Quy mô giao dịch của các mã LCG, HHV, VCG đều đạt trên 100 tỷ đồng cho thấy có cầu mua lên mạnh mẽ.
Các nhóm ngành như Bất động sản, Chứng khoán cũng đang tranh thủ để hồi phục với DXG (+4,88%), DIG (+5,28%), VND (+1,44%), SSI (+2,12%), HCM (+3,2%).
Sự hỗ trợ của các cổ phiếu Ngân hàng cũng đang được ghi nhận với BID (+1,6%), VPB (+2,4%), MBB (+2%), CTG (+1,4%), VCB (+0,9%). Cùng với một số Bluechips khác như GAS (+1,6%), HPG (+1,5%), VNM (+1,1%), thị trường Việt Nam đang tránh được sự điều chỉnh chung của chứng khoán thế giới.
VN-Index cuối phiên sáng đang tăng 0,91% lên 1.048,13 điểm. Giá trị giao dịch đạt gần 5.000 tỷ đồng, tương đương 305,98 triệu đơn vị.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index thậm chí còn tăng lần lượt 1,88% và 1,64% trong đó UPCoM tiếp tục có sự đóng góp lớn của VNZ khi giá đã lên 1.358.700 đồng/cổ phiếu.