Chuyển động thị trường: Giá vàng và dầu chạy ngược chiều trước cuộc họp của Fed

Bất kỳ biến động đi xuống nào của đồng USD cũng có thể hỗ trợ giá vàng, giúp kim loại quý này một lần nữa chạm mốc 2.400 USD/ounce.

*Vàng tăng nhẹ khi nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp của Fed

Giá vàng châu Á nhích nhẹ trong phiên 30/7 trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và dữ liệu của Mỹ để có thêm manh mối về thời điểm cắt giảm lãi suất.

110040-chi-so-dow-jones-lap-dinh-moi-gia-vang-cham-muc-cao-nhat-lich-su.jpg
Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

 

Khoảng 13 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.388,65 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3% lên 2.385,30 USD/ounce.

Fed dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách hai ngày (kết thúc ngày 31/7), nhưng để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách sớm nhất là vào tháng 9/2024, khi thừa nhận lạm phát đã tiến gần hơn đến mục tiêu 2%.

Các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi một loạt dữ liệu quan trọng như báo cáo việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ dự kiến công bố ngày 2/8.

Nhà phân tích thị trường Tim Waterer của KCM Trade cho biết quan điểm của Fed và báo cáo việc làm công bố ngày 2/8 có thể khiến đồng USD suy yếu nếu các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược vào việc sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn cho đến cuối năm nay.

Bất kỳ biến động đi xuống nào của đồng USD cũng có thể hỗ trợ giá vàng, giúp kim loại quý này một lần nữa chạm mốc 2.400 USD/ounce.

Lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết nhu cầu vàng của Ấn Độ trong quý II/2024 đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, song tiêu thụ vàng trong nửa cuối năm 2024 sẽ được cải thiện nhờ việc điều chỉnh giá trong nước sau khi thuế nhập khẩu giảm mạnh.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay nhích 0,1% lên 27,89 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,3% lên 951,25 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,6% lên 898,08 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 77 - 79 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

*Lo ngại nhu cầu của Trung Quốc đẩy giá dầu giảm

Giá dầu giảm trong phiên 30/7, nới rộng đà giảm trong phiên trước đó giữa lúc lo ngại về nhu cầu tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, thị trường “phớt lờ” nguy cơ gia tăng xung đột ở Trung Đông.

Quảng cáo

Khoảng 13 giờ 40 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 40 xu Mỹ xuống 79,38 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 43 xu Mỹ xuống 75,38 USD/thùng.

Một loạt thông tin kinh tế đáng thất vọng từ Trung Quốc đã làm rung chuyển thị trường gần đây. Cuộc khảo sát của Reuters công bố ngày 29/7 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 7/2024.

Cũng trong ngày 29/7, Citi đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống từ 5% xuống 4,8% sau khi tăng trưởng quý II/2024 không đạt ước tính của các nhà phân tích, đồng thời lưu ý rằng hoạt động kinh tế đã tiếp tục giảm trong tháng 7/2024.

Nhà phân tích cấp cao Emril Jamil tại LSEG Oil Resarch cho hay căng thẳng thuế quan với châu Âu và Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô của Trung Quốc trong thời gian tới.

*Thị trường chứng khoán đi ngược chiều nhau

Các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch trái chiều trong phiên 30/7 trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi một loạt quyết định của ngân hàng trung ương, các dữ liệu kinh tế quan trọng và báo cáo kết quả kinh doanh của các “gã khổng lồ” công nghệ trong tuần này.

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2% lên 38.525,95 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,4% xuống 17.002,91 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite giảm 0,4% xuống 2.879,30 điểm.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Jakarta và Manila đều giảm, trong khi chứng khoán Singapore, Đài Bắc, Mumbai, Bangkok và Wellington tăng cao.

Mặc dù báo cáo lạm phát tuần trước của Mỹ tiếp tục thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay, song các nhà giao dịch trở nên thận trọng hơn sau đợt thị trường ghi điểm ngày 29/7.

Fed có thể sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ tại cuộc họp chính sách tuần này, nhưng tuyên bố sau cuộc họp của Fed dự kiến sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng với hy vọng có thể xác nhận về một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024.

Đầu tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đánh tín hiệu rằng các quan chức không cần phải chờ lạm phát đạt mục tiêu 2% trước khi cắt giảm lãi suất, điều đã thúc đẩy thị trường.

Một loạt số liệu cho thấy giá cả đang được kiểm soát và thị trường lao động đang suy yếu đã giúp thúc đẩy niềm tin rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ gần như xảy ra, trong đó một số nhà quan sát cho rằng có thể có ba lần cắt giảm trước tháng 1/2025.

Các báo cáo về số liệu việc làm và cơ hội việc làm của Mỹ cũng sẽ được công bố trong tuần này, điều có thể ảnh hưởng đến quan điểm của Fed.

Sau khi cuộc họp của Fed kết thúc, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể sẽ công bố quyết định lãi suất. Thị trường hiện phân vân BoJ có tăng lãi suất một lần nữa hay không, sau khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong 17 năm hồi tháng 3/2024.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 1,54 điểm (0,12%) xuống 1.245,06 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 1,65 điểm (0,69%) xuống 235,87 điểm.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giải mã thông điệp được gửi gắm trong bộ sưu tập Vàng 24K năm Ất Tỵ của DOJI

Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, hệ sinh thái sản phẩm vàng 24K năm Ất Tỵ của DOJI còn chứa đựng những thông điệp tinh thần độc đáo, gợi mở hành trình chinh phục thành công và thịnh vượng trong năm mới.

Giá vàng thế giới nối dài đà tăng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản

Giá dầu chạm mức cao nhất 4 tháng do lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga

Giá dầu phiên 13/1 đạt mức cao nhất trong bốn tháng, chủ yếu do dự đoán rằng các lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ đối với dầu Nga sẽ buộc khách mua ở Ấn Độ và Trung Quốc tìm kiếm các nguồn cung khác.

Giá dầu đi ngang dưới tác động giằng co từ hai phía cung cầu Giá dầu thế giới tăng trước thời tiết lạnh ở Mỹ và châu Âu

Giá dầu đi ngang dưới tác động giằng co từ hai phía cung cầu

Giá dầu gần như đi ngang trong phiên giao dịch 9/1 tại châu Á giữa dự đoán nhu cầu nhiên liệu mùa Đông cao và mức tăng lớn trong lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ cũng như những lo ngại về kinh tế vĩ mô.

Lo ngại về nguồn cung đẩy giá dầu đi lên Giá dầu châu Á phục hồi nhờ nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng