Trong phần lớn năm 2022, các ngân hàng trung ương tại châu Á đã dành nhiều thời gian để xử lý lạm phát bằng cách nâng lãi suất liên tục, tuy nhiên trọng tâm chú ý của họ nhiều khả năng sẽ thay đổi từ năm tới. Như vậy tình hình thị trường với nhà đầu tư sẽ thay đổi khi tốc độ tăng giá hàng hóa chậm lại và nền kinh tế đón nhận tác động của sự chững lại toàn cầu.
Phần lớn các ngân hàng trung ương trong khu vực nhìn chung không nâng lãi suất mạnh tay như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vào ngày thứ Tư, Fed đã nâng lãi suất lần thứ 7 trong năm. Lạm phát tại châu Á không tăng mạnh như Mỹ.
Dù rằng đồng USD tăng giá đã giúp cho nhà đầu tư có thêm động lực để chuyển tiền sang Mỹ và xu thế này gây áp lực lên các đồng tiền châu Á, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã phản ứng bằng việc nhiều lần nâng lãi suất, hạ giá đồng tiền và can thiệp thị trường. Cán cân vãng lai tốt hơn, việc giảm phụ thuộc vào nợ nước ngoài cũng như dự trữ ngoại hối vững vàng hơn đã giúp họ có thể xử lý tốt các sức ép.
Tại phần lớn các nền kinh tế trong khu vực, từ Hàn Quốc và Trung Quốc cho đến Thái Lan và Ấn Độ, lạm phát đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, hiện đang có những dấu hiệu về khả năng tăng trưởng suy giảm như người ta chứng kiến trong việc lạm phát Trung Quốc và Hàn Quốc tháng 11/2022 đã giảm đi.
Một yếu tố tích cực của quá trình mở cửa kinh tế khu vực chính là việc kinh tế Trung Quốc bắt đầu mở cửa trở lại sau gần 3 năm Bắc Kinh duy trì chính sách không COVID-19. Thực tế này gây áp lực lên giá hàng hóa. Tuy nhiên suy thoái kinh tế tại Mỹ và châu Âu, đúng như dự báo của nhiều người, cũng sẽ đồng nghĩa nhu cầu hàng hóa yếu đi và lạm phát vì vậy khó tăng cao.
“Tất nhiên, quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc và điều không ai cần phải bàn cãi. Tuy nhiên ban đầu chắc chắn quá trình phục hồi sẽ có nhiều vấn đề. Hiện tại, chúng ta đang có nhiều nền kinh tế lớn trong đó có Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu đương đầu với khả năng rơi vào suy thoái, kết hợp các yếu tố trên, tôi nghĩ chắc chắn môi trường đối với giá hàng hóa sẽ khá ổn định, ít nhất trong nửa đầu năm sau”, trưởng bộ phân nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Nomura Holdings – ông Rob Subbaraman phân tích.
Đồng USD được dự báo nhiều khả năng đã lập đỉnh sau khi tăng lên mức cao nhất tính từ năm 1985 nếu xét theo cơ chế lãi suất thực, theo tính toán của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).
“Chúng tôi nghĩ rằng đồng USD đã lập đỉnh và rồi sau đó sẽ giảm trong năm 2023”, chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley nhận định.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng ngân hàng trung ương các nước tại châu Á sẽ không còn cần phải nâng lãi suất mạnh tay để cứu đồng nội tệ vào năm sau.
“Thị trường đã đón nhận câu chuyện lãi suất. Đối với thị trường ngoại hối, tâm lý của nhà đầu tư thị trường đã chuyển sang những nỗi lo suy thoái”, chiến lược gia thị trường tại quỹ Saxo Markets – ông Charu Chanana phân tích.
Từ ngày thứ Tư tuần này, Fed đã hạ tốc độ siết chặt chính sách tiền tệ. Fed giờ đây dự kiến sẽ hãm tốc độ điều chỉnh chính sách tiền tệ xuống còn trong ngưỡng khoảng từ 5% đến 5,25% vào đầu năm sau, như vậy tính đến thời điểm đó, lãi suất đồng USD tăng đến 5% chỉ trong vòng 1 năm.
Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư đang lo sợ rằng lạm phát sẽ vẫn dai dẳng. Thị trường giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu sau khi ngân hàng trung ương nhiều nước, trong đó có bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh nâng lãi suất và tuyên bố về quan điểm cứng rắn.
Tác động rõ ràng của việc Fed nâng lãi suất sẽ chỉ rõ ràng vào năm sau bởi cần xét đến độ trễ từ 6 đến 8 tháng của chính sách tiền tệ, theo các chuyen gia kinh tế tại Moody’s Investors Service. Nếu lạm phát được kiềm chế, một số chuyên gia kinh tế dự báo Fed sẽ chuyển hướng sang trạng thái hạ lãi suất trước thời điểm cuối năm nay, đợt hạ lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2023. Moody trong khi đó dự báo về kịch bản hạ lãi suất từ 25 đến 50 điểm cơ bản vào đầu tháng 11/2023.