Cổ phiếu loay hoay chưa tạo xong đáy
Trong khi chỉ số VN-Index vừa hoàn tất một nhịp hồi phục chữ V, cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vẫn đang trăn trở với câu hỏi "Khi nào cổ phiếu tạo đáy xong?". Kể từ sau phiên giao dịch 23/8, HPG đã có 7 phiên liên tiếp giảm dưới 1%.
Điều này đã khiến HPG đóng cửa thấp nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây và đồng thời làm cho vận động giá trở nên nhạy cảm hơn.
Hoặc HPG có thể sẽ hình thành được mô hình "W" hoặc quá trình đếm lại đáy sẽ phải khởi động lại trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, vùng giá 25.000 đồng/cổ phiếu còn gây chú ý khi HPG đang ở dưới "vạch xuất phát" của năm 2024 với thành tích lũy kế đang là -1,41%.
Với những vận động của thị trường luôn là khó lường, việc dự báo xu hướng của HPG trong ngắn hạn là không khả thi kể cả với nhà đầu tư có kinh nghiệm.
Tuy nhiên, những xáo trộn về giá của HPG chắc chắn sẽ tác động tới nhóm ngành Thép cũng như toàn bộ thị trường chung. Cổ phiếu hiện có quy mô vốn hóa đứng thứ 9 tại HOSE, đạt hơn 161 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, HPG cũng chiếm vị trí thứ 9 trong top bán ròng của khối ngoại với hơn 3.100 tỷ đồng bị rút ra từ đầu năm.
Dung Quất 2 đang chờ chính sách
Theo dự báo gần đây của CTCK VCBS, doanh thu thuần năm 2024 của HPG có thể đạt 131.919 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 11.022 tỷ đồng, tăng trưởng 62% so với năm 2023.
Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm HRC và tôn mạ tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc dự kiến sớm nhất sẽ có thể được ban hành vào tháng 10 và tháng 11/2024.
VCBS đánh giá tác động của chính sách có khả thi và tạo sự ảnh hưởng nhất với sản phẩm HRC do sau khi HPG tăng công suất HRC, thị trường nội địa sẽ là thị trường tiêu thụ chính, việc áp thuế chống bán phá giá (CPBG) có tác động lớn khi tới 60-70% tiêu thụ của ngành tới từ nhập khẩu.
Trong dài hạn, cơ hội tới từ đại dự án Dung Quất 2 dự kiến chính thức đi vào hoạt động trong quý I/2025 giai đoạn 1 công suất 2,8 triệu tấn và quý IV/2025 giai đoạn 2 công suất 2,8 triệu tấn giúp HPG duy trì đà tăng trưởng cao trong dài hạn.
Hiện nay mặc dù 2 nhà sản xuất nội địa là HPG và Formosa có tổng công suất là 8,2 triệu tấn HRC tuy nhiên vẫn chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa từ 12-13 triệu tấn HRC/năm.
Sau khi HPG đi vào hoạt động hết công suất dự án Dung Quất giai đoạn 2, tổng công suất thiết kế tại Việt Nam đạt 13,8 triệu tấn.
VCBS cho rằng khả năng tiêu thụ được hàng của HPG phụ thuộc rất lớn vào chính sách bảo hộ chống bán phá giá với HRC Trung Quốc do 1) Thép Trung Quốc giá rẻ cạnh tranh gắt gao với thép nội địa; 2) Có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu sau khi Dung Quất 2 đi vào hoạt động nếu thuế CBPG không được áp dụng.