Các cơ quan chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ mua “cổ phiếu vàng” trong một số doanh nghiệp công nghệ hàng đầu nước này như Alibaba Group hay Tencent Holdings, nó cho thấy Bắc Kinh đang hành động để nắm quyền kiểm soát lớn hơn đối với những doanh nghiệp lớn nhất trên mạng Internet Trung Quốc, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Các cuộc đối thoại này đang nhận được nhiều sự quan tâm khi mà chính phủ Bắc Kinh chuẩn bị nới lỏng các biện pháp siết chặt quản lý đã khiến cho nhiều doanh nghiệp khó khăn trong vòng hơn 1 năm.
Cấu trúc sở hữu cổ phiếu này, về lý thuyết cho phép chính phủ Trung Quốc quyền bổ nhiệm giám đốc hoặc thay đổi những quyết định quan trọng của công ty, sẽ giúp cho quan chức chính phủ Trung Quốc quyền hạn gây ảnh hưởng đến ngành Internet Trung Quốc trong một thời gian dài.
Một chi nhánh của Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc công bố mua 1% cổ phần của chi nhánh truyền thông số Alibaba tại Quảng Châu vào ngày 4/1/2023, theo dữ liệu doanh nghiệp Qichacha. Danh mục truyền thông của công ty bao gồm một số doanh nghiệp như nền tảng phát trực tiếp Youku và quản lý web UC Web. Một giám đốc mới cũng được bổ nhiệm trong cùng ngày, đúng như thông tin đã được Financial Times đưa trước đó.
Kênh dẫn vốn mua vào cổ phiếu Alibaba được đảm bảo bởi CAC cùng với nhiều doanh nghiệp nhà nước như CITIC, China Post hay China Mobile. Hiện tại, các bên đang tích cực bàn thảo về khả năng một cơ quan thuộc chính phủ sẽ mua cổ phần tương tự tại chi nhánh của Tencent tại Trung Quốc đại lục.
Hiện đang xuất hiện ngày một nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong nỗ lực hồi sinh lại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, đang thay đổi quan điểm với các chiến dịch “siết chặt gọng kìm” vốn gây khó cho hoạt động của nhiều công ty Internet Trung Quốc trong 2 năm qua.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang tính đến những cách để hỗ trợ cho ngành công nghệ. PBOC sẽ nghiên cứu các biện pháp tài chính nhằm hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của các doanh nghiệp công nghệ, theo chia sẻ của ông Ma Jianyang – quan chức với PBOC.
Didi Global, một trong những nạn nhân tệ hại nhất của chiến dịch tăng cường giám sát của chính phủ Trung Quốc, có thể được cấp phép chạy lại ứng dụng của hãng trong tuần tới, theo Reuters đưa tin. Như vậy, ứng dụng của Didi Global sẽ chính thức trở lại các kho ứng dụng trên mạng.
Các chuyên gia độc lập đã đưa ra quan điểm về vấn đề này. Việc chính phủ Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng với Alibaba và Tencent sẽ có thể khiến các doanh nghiệp này hứng chịu nhiều hoài nghi bên ngoài biên giới Trung Quốc và vì vậy sẽ khiến cho đà phát triển của họ bị chậm lại, bà Catherine Lim và ông Triniti Tan cho hay. Bắc Kinh đã mua cổ phần vàng trong công ty mẹ Bytedance sở hữu TikTik và Kuaishou.
Việc Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách kiểm soát COVID-19 vào đầu tháng 12/2022 đã lập tức dẫn đến nhiều thay đổi tích cực. Trung Quốc ngừng áp dụng quy định cấm nhập khẩu than đá Australia, nới lỏng kiểm soát các doanh nghiệp công nghệ và rút bớt đi chính sách “ba lằn ranh đỏ” từng gây ra sự suy giảm trên thị trường bất động sản.
Nhiều người hiện đang đặt ra câu hỏi liệu sự cải tổ chính sách đại diện cho việc hướng đến sự linh hoạt từng giúp cho kinh tế Trung Quốc trỗi dậy trong 4 thập kỷ qua hoặc chỉ đơn giản là phản ứng nhất thời trong bối cảnh kinh tế đang đi xuống.
Cổ phiếu Tencent và Alibaba không thay đổi trên thị trường Hồng Kông, lấy lại phần lớn mức sụt giảm trước đó. Phát ngôn viên của Tencent từ chối bình luận còn phát ngôn viên của Alibaba không phản hồi đề nghị bình luận của báo giới.
Nhiều năm nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu, từ Didi cho đến Ant của Jack Ma. Những năm gần đây, khi mà Bắc Kinh siết chặt kiểm soát với mọi ngóc ngách của lĩnh vực Internet, các quan chức chính quyền đã mua vào cổ phần danh nghĩa 1%.