Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ vào tháng 1 năm nay ghi nhận mức tăng cao nhất trong gần 2 năm qua, trong bối cảnh tiền lương tăng. Đây là dữ liệu đưa ra trong báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 24/2, là tín hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới hiện không ở gần mức suy thoái.
Theo báo cáo trên, trong tháng 1, chi tiêu của người tiêu dùng - yếu tố chiếm hơn 70% hoạt động của nền kinh tế Mỹ, đã tăng 1,8%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2021. Chi tiêu tiêu dùng trong tháng 12/2022 giảm 0,1%.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo chi tiêu tiêu dùng phục hồi 1,3%. Khi được điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu của người tiêu dùng tăng 1,1%, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2021.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, trong tháng đầu năm nay, người tiêu dùng mua nhiều các mặt hàng sử dụng được lâu dài như xe có động cơ, nội thất và thiết bị gia dụng. Người Mỹ cũng chi tiêu nhiều hơn cho các hoạt động giải trí và ăn uống tại nhà hàng.
Chi tiêu tiêu dùng tăng sau khi Chính phủ Mỹ tăng lương 0,9% đối với 65 triệu người hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lương tăng trong bối cảnh lạm phát khiến giới đầu tư lo ngại rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục nâng lãi suất cơ bản vào mùa Hè năm nay.
Nhà kinh tế trưởng Jeffrey Roach tại LPL Financial ở North Carolina cho rằng chính sách tiền tệ siết chặt hơn vẫn chưa tác động đến người tiêu dùng và cho thấy Fed có nhiều việc phải làm để làm chậm lại nhu cầu. Ông nhấn mạnh báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ là tín hiệu cho thấy Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào mùa Hè.
Fed dự kiến thực hiện thêm 2 đợt tăng lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản vào tháng 3 và tháng 5 tới. Ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất lên 450 điểm cơ bản kể từ tháng 3 năm ngoái, từ mức gần bằng 0 đến phạm vi 4,50%-4,75%.