Các vấn đề về nguồn cung liên quan đến đại dịch COVID-19 và sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu toàn cầu sau cuộc khủng hoảng y tế đã khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng cao trên toàn cầu.
Cuộc xung đột ở Ukraine khiến tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Xu hướng giá năng lượng và lạm phát đi lên rõ ràng là một hiện tượng toàn cầu và điều đó cũng ảnh hưởng đến Thụy Sỹ.
Tuy nhiên, quốc gia này đã kiềm chế được lạm phát so với các quốc gia khác. Chỉ số giá tiêu dùng tổng thể ở Thụy Sỹ chỉ tăng 3,5% trong hơn một năm, so với mức 10% ở Liên minh châu Âu (EU) và hơn 8% ở Mỹ. Giá năng lượng ở Thụy Sỹ tăng 28% và giá lương thực tăng 2%, so với các mức lần lượt 38% và 10,6% ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Sức mạnh hiện tại của đồng franc Thụy Sỹ (CHF) được coi là đóng vai trò như một bộ đệm. Mathieu Grobéty, Giám đốc Viện Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Lausanne, giải thích: “Đồng euro đã giảm so với đồng franc kể từ đầu năm nay, có nghĩa là hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn rất nhiều.
Chuyên gia kinh tế cho biết thêm rằng giá năng lượng ở Thụy Sỹ ít chịu ảnh hưởng từ các biến động quốc tế hơn so với các nước khác, do thị trường được điều tiết, mà một phần giá được ấn định trước và phần lớn năng lượng tái tạo được sản xuất từ các đập ở dãy Alps.
Ngoài ra, theo ông Grobéty, Thụy Sỹ không phải là thành viên EU nên xuất hiện lo ngại về việc một lượng lớn người Thụy Sỹ thường xuyên sang biên giới các nước láng giềng để được mua hàng rẻ hơn.
Do đó, nhà phân phối thực phẩm Thụy Sỹ đã không muốn ngay lập tức tăng giá vì chi phí toàn cầu cao hơn với mục tiêu là để ngăn cản người tiêu dùng Thụy Sỹ mua hàng ở nước ngoài.
Nhưng chuyên gia Mathieu Grobéty cho rằng lạm phát ở Thuỵ Sỹ sẽ “bắt kịp với các nước khác" vào cuối năm và sau đó sẽ chậm lại từ đầu năm 2023.
Sức ép lạm phát
Giá của nhiều loại hàng hóa và vật tư cơ bản, chẳng hạn như năng lượng, đã tăng trong 12 tháng qua. Ví dụ, giá dầu sưởi ấm, được khoảng 40% hộ gia đình Thụy Sỹ sử dụng, đã tăng gần gấp đôi và giá khí đốt tăng gần 60%.
Giá điện thường được công bố hàng năm vào cuối tháng Tám. Dự kiến, mức tăng trung bình là 27% vào năm 2023, với sự khác biệt lớn tùy thuộc vào nơi sống - ở Thụy Sỹ, mạng lưới điện được quản lý tại địa phương với khoảng 600 nhà cung cấp. Một số thành phố sẽ có mức tăng kỷ lục, chẳng hạn như Saint-Prex ở bang Vaud, nơi hóa đơn tiền điện tăng tới 1.600% từ 70.000 CHF lên 1,3 triệu CHF.
Các mặt hàng thực phẩm cơ bản, chẳng hạn như dầu ăn hoặc mì ống, đắt hơn khoảng 10% ở Thụy Sỹ. Và việc tăng giá đối với những mặt hàng như vậy đang bắt đầu có tác động đến ngân sách của các hộ gia đình.
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang (OFS), mỗi hộ gia đình Thụy Sỹ chi tiêu trung bình 535 CHF cho thực phẩm mỗi tháng trong quý I/2020, so với 586 CHF trong quý II/2022. Trong giai đoạn này, tỷ lệ thu nhập trung bình đã chi tiêu lương thực tăng từ 5,5% lên 6%.
Một cửa hàng bán pho mát tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Một khoản chi phí lớn khác của người dân Thụy Sỹ không được tính vào chỉ số giá tiêu dùng là bảo hiểm y tế bắt buộc. Các chuyên gia cho rằng phí bảo hiểm y tế sẽ tăng 5-10% vào năm 2023 - sau khi đã giảm 0,2% vào năm 2022 và tăng 0,5% vào năm 2021.
Tiền lương cho đến nay vẫn chưa vào xu hướng tăng. Năm 2021, lương giảm nhẹ do lạm phát khiến nhân viên mất 0,8% sức mua, theo OFS. Số liệu cho năm 2022 vẫn chưa có sẵn.
Mức lương trung bình của Thụy Sỹ cao hơn so với hầu hết các quốc gia khác. Chuyên gia Mathieu Grobéty giải thích tỷ lệ thu nhập hàng tháng dành cho thực phẩm và năng lượng ở Thuỵ Sỹ thấp hơn so với những nơi khác, chỉ khoảng 20% thu nhập trung bình hàng tháng, so với mức 30% ở Eurozone.
Tuy nhiên, lạm phát có tác động không đồng đều đối với các hộ gia đình. Những người có thu nhập thấp và những người chi tiêu nhiều ngân sách hàng tháng cho năng lượng cảm thấy sức ép nhiều hơn.
Ông Grobéty cho rằng lạm phát ở Thụy Sỹ hoạt động giống như một loại thuế. "Qua đêm, một số hộ gia đình thấy thu nhập của họ bị cắt giảm hơn 3,5%, vì họ tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm có giá tăng nhiều nhất."
Cân nhắc giải pháp
Khi giá cả tăng vọt, một số quốc gia đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp. Những biện pháp này bao gồm việc giảm giá nhiên liệu và tiền thuê nhà, giới hạn giá năng lượng. Ở Pháp, lương hưu và tiền lương công chức cùng một số phúc lợi xã hội nhất định đã được đánh giá lại.
Ông Grobéty nói: “Tất cả các biện pháp không có mục tiêu do chính phủ thực hiện để duy trì sức mua, chẳng hạn như giảm giá nhiên liệu, đều có thể phản tác dụng. Chúng sẽ kích cầu. Trong khi các ngân hàng trung ương đang cố gắng giảm nhu cầu để kiềm chế áp lực lạm phát ”.
Chuyên gia Grobéty tin rằng những hỗ trợ cho mặt hàng năng lượng cũng có thể có tác động xấu. Ông nhận xét: “Giá cao hơn là một cách rất hiệu quả để thay đổi hành vi nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu. Cách lý tưởng là nhắm mục tiêu vào các nhóm nhỏ người mà cần giúp đỡ thông qua khấu trừ thuế, trợ cấp... - miễn là họ có thể được chi tiêu cho những thứ khác ngoài năng lượng".
Vấn đề này hiện cũng đang được Quốc hội Thụy Sỹ xem xét. Một phiên họp Quốc hội đặc biệt được lên kế hoạch từ ngày 21 và 26/9 để tranh luận về các đề xuất khác nhau, chủ yếu từ các đảng cánh tả và trung hữu.
Các nghị sĩ sẽ xem xét liệu có nên khẩn trương điều chỉnh lương hưu để bù đắp cho giá cả tăng cao và tăng trợ cấp liên bang đối với phí bảo hiểm y tế cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hay không. “Trợ cấp năng lượng” tạm thời cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất và các "voucher liên bang” (phiếu thưởng hoặc giảm giá) cho các tầng lớp trung lưu cũng sẽ được thảo luận.
Các nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân Thụy Sỹ (cực hữu) phản đối các biện pháp như vậy, mà theo họ là quá đắt. Thay vào đó, họ ủng hộ việc giảm thuế cũng như bãi bỏ thuế đánh vào dầu sưởi ấm và thuế giá trị cho thuê đối với những người hưu trí.
Cho đến nay, Hội đồng Liên bang từ chối can thiệp và phản đối mọi đề xuất được đưa ra. Đa số trong số 7 vị Bộ trưởng trong Nội các tin rằng lạm phát là có thể chịu được, khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp trong lịch sử (ở mức 2%).
Hội đồng Liên bang cho rằng một số biện pháp được đề xuất là quá rộng, có thể phản tác dụng và gây tốn kém cho tài chính liên bang.