Chỉ riêng trong năm vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có các cuộc đối thoại với chính phủ Nhật, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và hơn 20 quốc gia khác ví như Ấn Độ hay Peru về các mối liên kết kinh tế liên biên giới. Đáng chú ý, trong các cuộc đối thoại này, có những thuật ngữ không được nhắc đến bao gồm “thương mại tự do” và “thuế quan”.
Theo Wall Street Journal, các thỏa thuận thương mại trên thế giới đã thay đổi vĩnh viễn. Giờ đây, người ta không còn quan tâm đến giảm thuế mà nhiều vấn đề khác, từ bản quyền trong lĩnh vực số cho đến chất lượng không khí, công nghệ và tiêu chuẩn sản phẩm, những vấn đề trước đây vốn được bàn đến ở cấp chính phủ chứ không phải các hiệp định toàn diện.
Việc các hiệp định tự do thương mại (FTA) được định hình lại có nguyên nhân chủ yếu từ các yếu tố chính trị và kinh tế. Khi mà lĩnh vực dịch vụ và thương mại trực tuyến phát triển, hàng hóa vật chất giờ đang giữ vai trò nhỏ hơn trong thương mại toàn cầu. Chênh lệch về mức lương và chi phí sản xuất giữa nước giàu và nước nghèo thu hẹp, chính vì vậy người ta đang chuyển sự chú ý sang nhiều vấn đề, chi phí gián tiếp ví như các quy định về môi trường. Ngoài ra, sự dịch chuyển kinh tế tạo ra do toàn cầu hóa đã khiến cho mô hình thương mại kiểu cũ không còn hấp dẫn trong mắt các chính trị gia.
FTA bắt đầu thu hút sự quan tâm từ thập niên 1990 khi mà các lý thuyết kinh tế ủng hộ tự do thị trường được yêu thích sau khi liên bang Xô Viết sụp đổ. Năm 1992, ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ H. Ross Perot đã cảnh báo về việc việc làm ở Mỹ được chuyển dần sang Mexico bởi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), khi đó các cơ quan hải quan đã phải rất cố gắng để đảm bảo thu đủ thuế quan với hàng hóa vận chuyển qua biên giới.
NAFTA chính thức có hiệu lực từ năm 1994, sau đó có thêm nhiều thỏa thuận giảm thuế quan khác giữa các nước trên thế giới. Yếu tố khác củng cố cho sự phát triển của thương mại tự do chính là việc Tổ chức Thương mại Tự do (WTO) vào năm 1995 và việc cộng đồng châu Âu (EC) chuyển sang hoạt động theo mô hình Liên minh châu Âu (EU), khu vực thương mại tự do với 27 thành viên và nhiều quốc gia có liên quan. Mức thuế bình quân gia quyền thương mại Mỹ giảm 46% trong thập niên 1990, theo WB.
Xu thế này vẫn tiếp diễn cho đến đầu thập niên 2000, đỉnh điểm với hai nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama khi đó bao gồm Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhắm đến việc kết nối 12 quốc gia tại châu Á và châu Mỹ, ngoài ra là Hiệp định Thương mại Đầu tư Liên Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU (TTIP).
TTIP từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ tại châu Âu vào năm 2014. Đến năm 2016, khi mà cả hai đảng của Mỹ lên tiếng phản đối, TTIP chính thức “chết yểu”.
Dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một trong những quyết định chính sách đầu tiên của ông chính là rút nước Mỹ khỏi TPP trước khi nó được phê chuẩn và có hiệu lực.
Dù vậy, việc TPP không còn nữa cũng không đồng nghĩa kỷ nguyên tự do thương mại đã chấm dứt.
Bên ngoài nước Mỹ, nhiều nước khác vẫn tiếp tục ký kết các FTA, dù rằng có rất ít các thỏa thuận có thể gây ra ảnh hưởng lớn lên kinh tế Mỹ. TPP được tái sinh bằng một cái tên dài hơn, kết nối 11 quốc gia mà không có Mỹ. Nội bộ EU cũng tăng gấp đôi các thỏa thuận FTA.
Ngay cả như vậy, các thỏa thuận trên nhấn mạnh đến nhiều vấn đề khác chứ không phải chỉ riêng thuế quan. Điều tương tự áp dụng với ngoại giao kinh tế quốc tế của Mỹ. Tư vấn an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Joe Biden, ông Jake Sullivan, nhấn mạnh: “Thập niên 2020 và 2030 sẽ khác so với thập niên 1990. Washington có nhiều ưu tiên căn bản khác hơn là chỉ giảm thuế quan”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang cố gắng để cung cấp cho Nhật với EU khả năng tiếp cận với các chương trình trợ cấp năng lượng sạch. Các thỏa thuận khu vực với Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như các nước châu Mỹ sẽ củng cố các các mối quan hệ kinh tế, kết nối chuỗi cung ứng và các hệ tiêu chuẩn mà không hề động chạm đến thuế quan. Và cũng không có điều khoản nào cần đến sự chấp nhận của quốc hội các nước.
Trên thực tế, việc các FTA dịch chuyển khỏi các vấn đề thuế quan đã diễn ra từ rất lâu, một phần bởi thuế suất từ trước đó vốn đã rất thấp. Với thỏa thuận TTIP đã “chết yểu”, người ta cũng chủ yếu chỉ nói đến các vấn đề quy định và tiêu chuẩn công nghiệp.
Chuyên gia cao cấp tại Viện Chính sách Ngoại giao thuộc đại học John Hopkins, ông Dan Hamilton, chỉ ra thuế áp với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) vào Mỹ trung bình khoảng 2,5% so với ngưỡng 10% tại nhiều thị trường khác, và nhìn chung thấp so với tiêu chuẩn của toàn cầu.
Chính vì vậy, thuế thấp cũng sẽ khó tạo ra những thay đổi vậy nên cần đến nhiều sự điều chỉnh khác về chính sách. Chính phủ các nước vì vậy phải thay đổi định hướng nhắm đến nhiều mục tiêu khác để đảm bảo các thỏa thuận thương mại có thể phát huy tác dụng.