Kết quả khảo sát từ Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo của nước này cho thấy lòng tin của các nhà xuất khẩu Đức tiếp tục giảm, trong đó nguyên nhân chính là chi phí sản xuất tăng cao.
Theo khảo sát của Viện Ifo đối với 2.300 doanh nghiệp, niềm tin xuất khẩu đã giảm xuống mức âm 2,7 điểm trong tháng Tám, từ mức 3,5 điểm trong tháng Sáu và âm 0,4 điểm trong tháng Bảy. Đây là tháng thứ ba liên tiếp kỳ vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp Đức giảm.
Chủ tịch Ifo Clemens Fuest nhận định các doanh nghiệp Đức hiện không mong đợi bất kỳ sự phát triển năng động nào trong hoạt động xuất khẩu. Giá khí đốt cao và môi trường kinh tế toàn cầu suy yếu đang đè nặng lên triển vọng kinh doanh. Hai thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu của hàng hóa Đức là Mỹ và Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu chững lại.
Theo kết quả khảo sát, phần lớn các ngành đều dự kiến sản lượng xuất khẩu giảm. Rõ rệt nhất là ngành hóa chất với kỳ vọng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ dự kiến tăng doanh số xuất khẩu như các nhà sản xuất ôtô, phụ tùng ôtô, thiết bị xử lý dữ liệu, sản phẩm điện tử hay quang học.
Theo Hiệp hội các phòng công nghiệp và thương mại Đức (DIHK), nhu cầu về hàng hóa Đức giảm không phải là vấn đề duy nhất đối với các nhà xuất khẩu Đức. Một trong những thách thức lớn khác hiện nay là chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi các doanh nghiệp không thể chuyển hết gánh nặng tăng giá này cho khách hàng nước ngoài.
Chuyên gia Volker Treier từ DIHK cho biết chỉ trong sáu tháng đầu năm 2022, gánh nặng chi phí đối với lĩnh vực ngoại thương của Đức đã lên tới 70 tỷ euro. Theo đó, mặc dù các doanh nghiệp Đức đã tăng giá hàng hóa xuất khẩu lên trung bình 14,7% trong nửa đầu năm, nhưng cùng lúc đó, giá thành sản xuất và giá nguyên vật liệu đầu vào đều tăng gấp đôi.
Theo chuyên gia Treier, điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Đức phải đối mặt với khó khăn rất lớn và trong bối cảnh hiện tại, họ khó có thể thoát khỏi tình trạng này một cách nhanh chóng.