Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á trong ngày đầu tuần có sự phân hóa nhẹ. Chiều giảm là các chỉ số NIKKEI 225 (-1,77%), KOSPI (-0,85%), trong khi ngược lại TWSE (+0,27%), SET (+1,42%), SHCMP (+0,49%) vẫn đóng cửa trong sắc xanh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau phiên bùng nổ vẫn được các cổ phiếu lớn kéo rướn thêm. Hiện tượng chốt lời dù xuất hiện nhưng cũng chưa tạo ra lo lắng cho số đông nhà đầu tư.
Chất xúc tác
Nhà đầu tư đã lỡ phiên bùng nổ thực tế cũng không quá nôn nóng quay trở lại thị trường. Quy mô khớp lệnh của HOSE do đó đã giảm 34% xuống 609 triệu đơn vị nhưng vẫn cao hơn mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Được biết trong tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 30.808,29 tỷ đồng ra thị trường bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 50.925,85 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 60.549,5 tỷ đồng.
Tỷ trọng giao dịch của khối nội còn lấn lướt hơn khi chiếm hơn 92% ở cả 2 chiều mua bán. Trong khi đó, khối ngoại chỉ chiếm chưa đến 8% trong bức tranh chung.
Hành động bán ròng của khối ngoài đã diễn ra ở phiên thứ 2 với giá trị rút khỏi trên HOSE đạt 311 tỷ đồng. Các mã VHM (-78,03 tỷ đồng), HPG (-71 tỷ đồng), TCB (-50 tỷ đồng), HSG (-43 tỷ đồng), HDB (-33,5 tỷ đồng), SSI (-33 tỷ đồng), FPT (-31 tỷ đồng) bị bán ra khá dàn trải cho thấy dấu ấn của nhóm quỹ ETFs.
Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn như VNM (+137,5 tỷ đồng), GAS (+36,7 tỷ đồng) lại nhận được tiền từ khối ngoại, đồng thời đóng góp tích cực vào điểm số của VN-Index.
Vận động thị trường
2 cổ phiếu VNM (+3%), SAB (+2,3%) đứng trong top các mã kéo điểm tích cực nhất bên cạnh SAB (+2,7%), TCB (+2,1%), VIB (+1,7%), BVH (+1,3%). Tổng cộng rổ VN30 vẫn có 18/30 mã tăng giá, qua đó giúp cho VN-Index vẫn có thêm lực đẩy đi tiếp sau phiên bùng nổ.
Chỉ số đóng cửa tăng 9,39 điểm lên 1.261,62 điểm (+0,75%). Thanh khoản sàn đạt 695,07 triệu đơn vị, tương đương 16.711 tỷ đồng.
Toàn sàn ghi nhận độ rộng đạt gần 55% mã tăng giá. Ngoài các cổ phiếu tăng trần đột biến như PNJ, HAX, QCG, hầu hết các cổ phiếu còn lại chỉ tăng với biên độ hẹp hơn. Điều này cho thấy, nhà đầu tư đang chờ những tín hiệu hạ nhiệt của thị trường để có thể đưa ra quyết định giải ngân mới.
Tại nhóm cổ phiếu Bất động sản, dấu hiệu giảm tốc chưa thể hiện rõ khi vẫn còn DXG (+3,5%), NVL (+1,3%), PDR (+1,9%), NTL (+1,1%), NDN (+1,1%) giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, các mã HBC (-1,6%), TDC (-1,7%), VCG (-0,8%), TCH (-0,6%) cũng đã ngả sang sắc đỏ.
Nhưng tại nhóm Chứng khoán, chỉ còn lại AGR (+3,1%), VDS (+3,1%) trong khi nhiều mã có dấu hiệu chững lại trong đà hồi phục như FTS (-0,3%), BSI (-0,5%), HCM (-0,2%), VND (-0,3%), SSI (-0,9%), VCI (-1,1%).
Trong khi đó, các cổ phiếu Thép, Cảng biển, Bán lẻ chỉ ghi nhận những trường hợp cá biệt của SMC (+3,4%), GMD (+3,8%), PNJ (+6,9%).
Trên HNX và UPCoM, sự dè dặt của nhà đầu tư khiến cho 2 chỉ số đều có biên độ tăng điểm hẹp hơn so với VN-Index.
Chỉ số HNX-Index tăng 0,37% lên 236,01 điểm với thanh khoản sàn đạt 58,14 triệu đơn vị, tương đương 1.189 tỷ đồng. Còn UPCoM-Index tăng 0,15% lên 93,58 điểm với giá trị giao dịch 767 tỷ đồng.