Giáo sư Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Kinh doanh Quốc tế Clausen, Pierre-Olivier Gourinchas mới đây có bài viết trên trang web của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những thách thức lớn mà nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phải đối mặt trong thời gian tới. Bài viết có nội dung như sau:
Theo Giáo sư kinh tế Pierre-Olivier Gourinchas, các nhà hoạch định chính sách cần có bàn tay vững vàng khi những đám mây bão tố vây quanh nền kinh tế toàn cầu. Một phần ba nền kinh tế thế giới có thể sẽ suy giảm trong năm 2022 hoặc 2023, trong bối cảnh thu nhập thực tế bị giảm sút và giá cả leo thang. Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn, từ tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt do áp lực lạm phát kéo dài, và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Theo Giáo sư Pierre-Olivier Gourinchas, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay không thay đổi ở mức 3,2%, trong khi dự báo của cho năm tới được điều chỉnh xuống mức 2,7%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Bảy. Suy thoái kinh tế năm 2023 sẽ diễn ra trên diện rộng, với các quốc gia chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu.
Ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục chững lại. Nhìn chung, những cú sốc trong năm nay sẽ khơi lại vết thương kinh tế vốn chỉ được hàn gắn một phần sau đại dịch. Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái.
Tại Mỹ, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và tiền tệ sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuống mức 1% trong năm tới. Tại Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng năm tới xuống 4,4% do lĩnh vực bất động sản suy yếu và chính sách phong tỏa chống dịch COVID-19. Sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt nhất diễn ra ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), nơi khủng hoảng năng lượng sẽ tiếp tục gây ra thiệt hại nặng nề.
Ở hầu hết mọi nơi, giá cả đều tăng mạnh, đặc biệt là giá lương thực và năng lượng. Điều này đang gây ra khó khăn nghiêm trọng cho các hộ gia đình, đặc biệt là người nghèo và người có thu nhập trung bình.
Bất chấp suy thoái kinh tế, áp lực lạm phát đang lan rộng và dai dẳng hơn so với dự đoán. Lạm phát toàn cầu hiện dự kiến sẽ đạt đỉnh 9,5% trong năm 2022 trước khi dịu lại mức 4,1% vào năm 2024. Lạm phát cũng đang mở rộng ra ngoài phạm vi lương thực và năng lượng.
Khả năng giảm rủi ro rất khó đoán định, trong khi việc đánh đổi chính sách để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên thách thức hơn. Sau đây là một số điểm nổi bật trong báo cáo của IMF theo phân tích của Giáo sư kinh tế Pierre-Olivier Gourinchas:
Trước tiên là rủi ro về việc điều chỉnh sai chính sách tiền tệ, tài khóa hoặc tài chính đã tăng mạnh trong bối cảnh mức độ không chắc chắn khá lớn. Các điều kiện tài chính toàn cầu có thể xấu đi và đồng đô la tăng mạnh hơn sẽ gây ra bất ổn trên thị trường tài chính, thúc đẩy các nhà đầu tư hướng tới các tài sản an toàn. Điều này sẽ làm gia tăng đáng kể áp lực lạm phát và tình trạng yếu kém về tài chính ở phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Tiếp đến là lạm phát. Lạm phát một lần nữa có thể sẽ dai dẳng hơn, đặc biệt là nếu thị trường lao động vẫn trong tình trạng bị thắt chặt. Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang hoành hành và sự leo thang gia tăng có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Đánh giá những rủi ro xung quanh các dự báo cơ bản, Giáo sư Pierre-Olivier Gourinchas ước tính có khoảng 1/4 xác suất tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm tới có thể giảm xuống dưới mức thấp trong lịch sử là 2%. Nếu nhiều rủi ro xảy ra, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại mức 1,1%, đồng thời thu nhập bình quân đầu người gần như trì trệ vào năm 2023. Theo tính toán của Giáo sư, khả năng xảy ra một kết quả bất lợi hoặc tệ hơn có thể lên tới từ 10% đến 15%.
Về khủng hoảng chi phí sinh hoạt, áp lực giá cả ngày càng tăng vẫn là mối đe dọa trước mắt đối với sự thịnh vượng hiện tại và tương lai, siết chặt thu nhập thực tế và phá hoại sự ổn định kinh tế vĩ mô. Các ngân hàng trung ương hiện đang tập trung vào việc khôi phục sự ổn định giá cả, và tốc độ thắt chặt đã tăng nhanh. Việc thắt chặt quá mức cũng dẫn đến một số rủi ro, kéo theo lạm phát và làm xói mòn uy tín của các ngân hàng trung ương và giảm kỳ vọng lạm phát. Thêm vào đó, thắt chặt quá mức có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng không cần thiết.
Uy tín của các ngân hàng trung ương có thể bị giảm sút nếu họ đánh giá sai một lần nữa sự dai dẳng của lạm phát. Điều này sẽ gây bất lợi hơn nhiều cho sự ổn định kinh tế vĩ mô trong tương lai. Khi cần thiết, chính sách tài chính phải đảm bảo rằng thị trường vẫn ổn định. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương cần phải giữ vững chính sách tiền tệ tập trung vào việc kiềm chế lạm phát.
Đồng 100 USD. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc hình thành các phản ứng tài khóa thích hợp đối với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã trở thành một thách thức nghiêm trọng. Và Giáo sư Pierre đã đề cập đến một vài nguyên tắc chính:
Thứ nhất, chính sách tài khóa không nên đối lập với nỗ lực của các cơ quan quản lý tiền tệ nhằm giảm lạm phát. Làm như vậy sẽ chỉ kéo dài lạm phát và có thể gây ra bất ổn tài chính nghiêm trọng.
Thứ hai, cuộc khủng hoảng năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu, không phải là một cú sốc nhất thời. Cơ cấu lại địa chính trị của các nguồn cung cấp năng lượng sau chiến tranh là rộng rãi và lâu dài. Mùa Đông 2022 sẽ nhiều thách thức, nhưng mùa Đông 2023 có thể sẽ tồi tệ hơn. Tín hiệu giá sẽ là yếu tố cần thiết để hạn chế nhu cầu năng lượng và kích thích nguồn cung.
Kiểm soát giá cả, trợ cấp không có mục tiêu hoặc cấm xuất khẩu gây tốn kém về mặt tài chính và dẫn đến dư thừa cầu, cung không đủ cầu, phân bổ sai…Thay vào đó, chính sách tài khóa nên nhằm mục đích bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất thông qua chuyển giao có mục tiêu và tạm thời.
Thứ ba, chính sách tài khóa có thể giúp các nền kinh tế thích ứng với môi trường biến động hơn bằng cách đầu tư vào năng lực sản xuất, số hóa, năng lượng xanh và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Mở rộng những điều này có thể làm cho các nền kinh tế có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Thật không may, những nguyên tắc quan trọng này không thể thực hiện theo định hướng chính sách tức thì được.
Về tác động của chiều hướng đồng đô la tăng mạnh. Đối với nhiều thị trường mới nổi, sức mạnh của đồng đô la là một thách thức lớn. "Đồng bạc xanh" hiện đang ở cao nhất kể từ đầu những năm 2000, mặc dù sự tăng giá thể hiện rõ rệt nhất trong số các loại tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến.
Cho đến nay, đà tăng chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ và cuộc khủng hoảng năng lượng. Phản ứng thích hợp ở hầu hết các quốc gia mới nổi và đang phát triển là điều chỉnh chính sách tiền tệ để duy trì ổn định giá cả, đồng thời để tỷ giá hối đoái điều chỉnh, bảo toàn dự trữ ngoại hối có giá trị khi điều kiện tài chính thực sự xấu đi.
Trong bối cảnh "con tàu" kinh tế toàn cầu đang hướng tới "vùng biển đầy bão tố", giờ là lúc các nhà hoạch định chính sách thị trường mới nổi bắt tay vào việc chốt chặn. Các quốc gia đủ điều kiện cần có chính sách hợp lý, khẩn trương xem xét cải cách cơ cấu.
Các quốc gia cũng nên đặt mục tiêu giảm thiểu tác động của tình trạng hỗn loạn tài chính trong tương lai thông qua sự kết hợp của các biện pháp dự phòng vĩ mô và dòng vốn nếu thích hợp và phù hợp với khung chính sách tích hợp đã được các tổ chức tài chính toàn cầu phân tích.
Các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực, cùng với nhiệt độ khắc nghiệt trong mùa Hè, là những lời cảnh báo rõ ràng về sự chuyển đổi khí hậu không kiểm soát. Tiến bộ về các chính sách khí hậu, cũng như giải quyết nợ và các vấn đề mục tiêu khác sẽ chứng minh một chủ nghĩa đa phương tập trung thực sự có thể đạt được tiến bộ cho tất cả mọi người và thành công trong việc vượt qua áp lực phân cực địa kinh tế.