Định vị thị trường
Đà tăng của các thị trường chứng khoán châu Á dù có chậm đi nhưng vẫn được duy trì. Các chỉ số NIKKEI 225 (+0,16%), TWSE (+0,85%), KOSPI (+0,37%) tăng điểm nhẹ.
Với thị trường Việt Nam, rung lắc khó tránh khỏi khi diễn ra sự kiện đáo hạn phái sinh. Chỉ số VN-Index bị nhúng trong phiên chiều nhưng vẫn tiếp tục được kéo lên về cuối phiên, để đóng cửa trong sắc xanh.
Chất xúc tác
Do chỉ số DXY vẫn đang neo quanh 105,5 điểm nên tỷ giá trong nước chưa thể có sự đảo chiều về xu hướng. Giá bán trên thị trường tự do được giữ tại 25.850 VND/USD.
Còn lãi suất liên ngân hàng đã ở trong giai đoạn hạ nhiệt với liên tục các phiên giảm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,4 điểm phần trăm xuống 3,55%, kỳ hạn 1 tuần cũng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 3,92%.
Tuy nhiên, số liệu giao dịch vẫn cho thấy nhóm nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hoạt động rút tiền. Giá trị bán ròng trên HOSE đạt 993 tỷ đồng trong đó FPT (-265,37 tỷ đồng), VRE (-97,7 tỷ đồng), VHM (-92,5 tỷ đồng), VCB (-87,7 tỷ đồng), FUEVFVND (-75,86 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Chiều ngược lại, TCH (+108,72 tỷ đồng) lại được mua ròng mạnh nhất cho thấy quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF có thể đã tiến hành mua mới ngay trong phiên hôm nay thay vì chờ tới phiên 21/6.
Vận động thị trường
Theo dự báo mới nhất của SSI, quỹ FTSE Vietnam Swap UCITS ETF có thể cần mua mới gần 4,5 triệu cổ phiếu TCH. Và thực tế, khối ngoại đã mua ròng hơn 5,2 triệu cổ phiếu TCH giúp cho mã này tăng 6,8% lên 21.200 đồng/cổ phiếu.
Đồng thời, TCH lan tỏa sự tích cực tới HHS (+6,44%), qua đó tạo ra điểm nhấn nổi bật nhất ở nhóm các cổ phiếu Midcap.
Thực tế, vận động của thị trường tập trung nhiều hơn ở các cổ phiếu Bluechips bởi phiên hôm nay cũng là ngày đáo hạn của HĐTL VN30F2406. Các mã gây rung lắc khiến cho chỉ số VN-Index bị giật xuống trong phiên chiều nay là BID (-1,3%), VRE (-1,9%), VCB (-0,7%), STB (-0,5%).
Tuy nhiên, chiều ngược lại, VPB (+3,7%), TCB (+2,7%), BCM (+2,1%), FPT (+1,4%), GVR (+1,2%), TPB (+1,1%), VNM (+1,1%), POW (+1%) lại kết hợp để triệt tiêu rung lắc giúp VN-Index đảo chiều cuối phiên, tăng 0,2% lên 1.282,3 điểm. Giá trị giao dịch toàn sàn đạt 23.848 tỷ đồng, tương đương 932 triệu đơn vị.
Với VPB, cổ phiếu đã đóng cửa tại 19.700 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây. Cùng với đó, quy mô giao dịch tiếp tục thể hiện ấn tượng, đạt 1.300 tỷ đồng và đứng thứ 2 tại sàn.
Trong khi đó, FPT đã triệt tiêu gần hết những thất thoát từ tuần trước để áp sát trở lại mức giá đỉnh thời đại. Quy mô giao dịch của FPT đứng đầu toàn HOSE, đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy, dòng tiền nội của FPT vẫn rất mạnh bất chấp khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 12 phiên.
Ngoài ra, cổ phiếu TCB cũng là điểm nhấn giao dịch khi chốt quyền chia thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 1:1. Mã này không chỉ tăng khá tốt mà còn được giao dịch sôi động, lọt vào Top 3 của HOSE với 860 tỷ đồng.
Trên HNX và UPCoM, giao dịch vẫn khá tích cực với các mã LHC (+7,4%), SLS (+3,9%), VCS (+3,4%), VGI (+4%), ACV (+3,7%), OIL (+6,8%), TVN (+10,8%). Chỉ số HNX-Index tăng 0,16% lên 243,97 điểm. Thanh khoản đạt 74,05 triệu đơn vị, tương đương 1.519 tỷ đồng.
Trong khi đó, UPCoM-Index tăng 0,85% lên 99,2 điểm. Thanh khoản đạt 70,13 triệu đơn vị, tương đương 1.488 tỷ đồng.