Việc dân số Trung Quốc sụt giảm lần đầu tiên trong 6 thập kỷ cho thấy những thách thức về nhân chủng học mà Trung Quốc đang đối đầu, thực tế này tạo ra thách thức không chỉ với vị thế của Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất của thế giới mà còn cả nhiều tham vọng trong các lĩnh vực khác của Trung Quốc.
Trong năm ngoái, dân số Trung Quốc giảm xuống chỉ còn ước tính khoảng 1,41 tỷ người, Trung Quốc vì vậy đã đánh mất vị thế nước đông dân nhất thế giới về tay Ấn Độ, Liên hợp quốc (UN) ước tính dân số đất nước Nam Á này đã chạm mức 1,42 tỷ người tính đến ngày 1/1/2023.
Việc dân số sụt giảm đồng nghĩa với lực lượng lao động đi xuống, hậu quả sẽ rất tệ hại với một nước hiện đã trở thành động lực quan trọng của kinh tế toàn cầu.
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tại Trung Quốc lập đỉnh vào năm 2016, và vấn đề này nhiều khả năng sẽ ngày một tệ hại hơn khi mà làn sóng người về hưu dâng cao, Nikkei ước tính nó sẽ làm suy giảm lực lượng lao động ước tính khoảng 9% trong thập kỷ tới.
Những thành viên cao tuổi nhất trong thế hệ bùng nổ trẻ con của Trung Quốc giai đoạn 1963 đến 1975, giai đoạn với hơn 20 triệu đứa trẻ được sinh ra mỗi năm giờ đây đã chính thức bước sang tuổi 60, tuổi về hưu chính thức của người lao động nam giới. Tuổi về hữu của phụ nữ là 55. Nikkei ước tính rằng 234 triệu người dân Trung Quốc sẽ chạm ngưỡng này trong thập kỷ tới, ước tính chỉ khoảng 166 triệu người gia nhập lực lượng lao động để thay thế họ.
Lĩnh vực sản xuất cho đến nay đã chật vật trong việc tuyển dụng người lao động. Kết quả khảo sát với khoảng hơn 90.000 người lao động cho thấy ước tính khoảng 44% phàn nàn về những khó khăn trong tuyển dụng, họ coi đây như những thách thức lớn nhất.
Những người trẻ hài lòng với cuộc sống có tiêu chuẩn đơn giản thường có xu thế không chọn làm công việc nhà máy vất vả. Hơn nữa, quan niệm phải thành công bằng học vấn tại Trung Quốc khiến cho tỷ lệ ghi danh tại các trường đại học của Trung Quốc tăng cao, kết quả nó khiến cho nhu cầu với những công việc văn phòng tại Trung Quốc tăng lên.
Trong khi đó, nhiều người trẻ Trung Quốc đang dự báo về những triển vọng bi quan bởi giá nhà đất tăng cao quá mức và triển vọng việc làm u ám. Tất cả những yếu tố này khiến cho nhiều người trẻ lựa chọn cách sống buông xuôi với cuộc đời để không phải chạy đua.
Giới chức Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp nhằm khuyến khích đào tạo kỹ thuật và chăm sóc y tế. Tháng 12/2022, chính quyền trung ương bắt đầu cho phép giới chức địa phương sử dụng vốn huy động thông qua các trái phiếu hạ tầng nhằm có thể có tiền xây dựng các trường hướng nghiệp.
Thông Tấn xã Việt Nam cho hay theo số liệu công bố ngày 17/1 của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này tăng trưởng 3% trong năm 2022, một trong những mức thấp nhất trong 40 năm do đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 đạt 5,5%, mức đã thấp hơn nhiều so với con số của năm 2021, khi tăng trưởng GDP đạt 8%.
Trong quý 4 năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 3,9% trong quý 3.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với những thách thức chưa từng có vào cuối năm 2022, với xuất khẩu giảm trong tháng 12, do nhu cầu toàn cầu giảm và những hạn chế nhằm kiểm soát dịch COVID-19 đã gây trở ngại cho hoạt động kinh tế.
Mức tăng trưởng của năm 2022 là thấp nhất kể từ năm 1976, khi GDP giảm 1,6% và không tính đến con số của năm 2020, sau khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Theo số liệu vừa công bố, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 12/2022 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán lẻ giảm 1,8%.
Đầu tư tài sản cố định tăng 5,1% trong năm ngoái và tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị giảm xuống 5,5% trong tháng 12, so với mức 5,7% của tháng 11.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 4,3% vào năm 2023.
Nước này vẫn đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng, gây quá tải cho các bệnh viện và gây áp lực lên nhân viên y tế.
Trong khi đó, các vấn đề của lĩnh vực bất động sản vẫn là trở ngại cho tăng trưởng kinh tế.