Quay về eMagazine
Ảnh minh họa.

VCCI tiếp tục phản đối quy định buộc sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán

Tại văn bản góp ý vừa công bố, VCCI đặc biệt lưu ý: "Một số ý kiến góp ý của VCCI trong văn bản trước đây hiện chưa được Ban soạn thảo tiếp thu". Đồng thời tái khẳng định các quy định như tại ở Dự thảo hiện tại của Bộ Tài chính sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp...

Như đã đề cập thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ.

Trong đó, Dự thảo này đã có một số quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử (TMĐT) liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên sàn, gồm: trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay tại Điều 1.2 (bổ sung Điều 7.5.k Nghị định 126/2020/NĐ-CP); sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến có trách nhiệm phải đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân…

Ngay từ khi Dự thảo trên được công bố để lấy ý kiến đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, không đồng thuận của những đối tượng liên quan trực tiếp cũng như từ các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp...

Sau cuộc họp thẩm định với Bộ Tư pháp ngày 04/5/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiếp tục có văn bản góp ý tiếp theo cho Dự thảo này gửi tới Văn phòng Chính phủ. Trong đó, kiến nghị của VCCI tiếp tục chỉ ra một số điểm bất cập nếu quy định trên được đưa vào thực tiễn.

Đáng chú ý, VCCI đặc biệt lưu ý: "Một số ý kiến góp ý của VCCI trong văn bản trước đây hiện chưa được Ban soạn thảo tiếp thu". Đồng thời tái khẳng định: "Các quy định như tại Dự thảo hiện tại sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp, là đối tượng chịu tác động...".

QUY ĐỊNH NỘP THUẾ THAY TẠO RA ÁP LỰC TÀI CHÍNH RẤT LỚN CHO CÁC SÀN TMĐT

Tại văn bản VCCI đồng tình việc đảm bảo khả năng thu thuế, bao gồm cả thuế từ hoạt động kinh doanh trên môi trường internet là việc cần thiết. Theo đó, việc đưa ra một số quy định pháp lý nhằm hỗ trợ cơ quan thuế thực thi nhiệm vụ là hợp lý. Các quy định này có thể liên quan phần nào đến các chủ thể khác vận hành trong mô hình này, chẳng hạn các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT).

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, thị trường TMĐT của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Chính sách chung với đối tượng này vẫn nên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển.

"Các quy định mới cần phải cân nhắc thật sự thấu đáo để tránh tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian này", văn bản do Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh ký nhận định.

Phân tích của VCCI cho thấy, nhiều sàn TMĐT có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn. Lý do bởi sàn TMĐT sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt.

Trên thực tế, khi các giao dịch trên sàn được thanh toán bằng tiền mặt, tiền hàng sẽ chuyển từ người mua qua đơn vị vận chuyển (thông qua shipper) về người bán. Hoặc ngược lại, shipper sẽ trả trực tiếp cho người bán và nhận lại tiền từ người mua.

Các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế (86%). Điều này tạo nên áp lực về hoạt động khi sàn TMĐT phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán.

Do đó, việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng. Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn TMĐT.

Thêm một lần nữa VCCI nhận định: các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ là đơn vị trung gian giữa người bán và người mua, vì vậy yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là chưa phù hợp với bản chất hoạt động của mô hình này đồng thời gây khó khăn rất lớn cho các sàn TMĐT.

VCCI công bố đã tiến hành khảo sát sơ bộ 107 sàn TMĐT thuộc diện tác động của quy định này trong khoảng thời gian từ tháng 4/2022 đến tháng 5/2022. Kết quả cho thấy nếu áp dụng của quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT.

Theo đó, mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10,65 điểm % so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này.

Cụ thể, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5,2 điểm %; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9,45 điểm % và chi phí nhân sự tăng 19,86 điểm %.

Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn TMĐT đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT.

Đáng chú ý, theo kết quả khảo sát với các sàn TMĐT, có tới 57,4% sàn TMĐT lo ngại quy định sẽ thay đổi quy trình quản lý và vận hành của DN; 100% sàn TMĐT cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.

DỰ THẢO CÒN THIẾU SỰ THỐNG NHẤT, MÂU THUẪN VỚI CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN

Một điểm quan trọng khác, VCCI cho rằng trong Dự thảo cần phải có quy định rõ ràng hơn. Cụ thể là cần làm rõ các đối tượng nào được coi là sàn TMĐT.

Hiện nay, khái niệm về sàn thương mại điện tử đang được quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản chung điều chỉnh hoạt động của sàn thương mại điện tử. Lĩnh vực này thực tế xuất hiện trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành khác mà Nghị định 52/2013/NĐ-CP đã loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh và giao lại cho các văn bản pháp luật chuyên ngành điều chỉnh.

Đồng thời, Dự thảo cũng chưa quy định rõ các sàn TMĐT sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế thay thuế cho người bán (nếu áp dụng) trên tất cả các đơn hàng hay chỉ khấu trừ khi xác định người bán có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng. Nguyên nhân do người bán là cá nhân thì chỉ có trách nhiệm nộp thuế nếu có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng.

VCCI nhận định nếu chỉ thực hiện với người bán có doanh thu vượt ngưỡng, các sàn TMĐT sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khi nào người bán vượt ngưỡng doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế thay.

Đơn cử như việc xác định mức doanh thu 100 triệu là mức doanh thu trên một sàn hay tính trên tất cả các sàn; tiêu chí để nào để có thể xác định một người bán có doanh thu trên 100 triệu khi bắt đầu năm kinh doanh…?

Ngoài ra, trong bản góp ý, VCCI cũng dẫn kinh nghiệm quốc tế, liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên nền tảng TMĐT.

Lấy ví dụ ở Trung Quốc, điều 28 Luật Thương mại điện tử năm 2018 chỉ quy định trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc cung cấp thông tin nhận dạng (identity information) và thông tin liên quan đến thuế của người bán đến cơ quan thuế.

Còn một số nước khác, chẳng hạn Liên minh châu Âu (EU), Anh, New Zealand, Hoa Kỳ, Indonesia… đã ban hành quy định yêu cầu nền tảng trung gian có trách nhiệm nộp thay nghĩa vụ thuế GTGT với với hàng hoá của người bán nước ngoài. Nghĩa vụ thuế của người bán (trong nước) vẫn được thực hiện theo các quy định trước đó (thường thuộc về trách nhiệm của người bán).

Thực tế, cơ chế này tương tự như quy định của các nước này cũng đang được xây dựng tại Dự thảo Nghị định quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu qua TMĐT.

Theo đó, nghĩa vụ thuế (trong đó có thuế GTGT) với hàng hoá giao dịch qua thương mại điện tử nhập khẩu sẽ thuộc trách nhiệm của đơn vị trung gian (như sàn TMĐT, đơn vị vận chuyển…) và được thực hiện cùng với thủ tục hải quan.

VCCI dẫn giải và khẳng định, nhìn chung, theo quy định của các quốc gia trên, trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của người bán trong nước vẫn thuộc về người bán.

Từ đó, cơ quan này đưa ra kết luận: "Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý để ban hành, thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp".

Do đó, theo VCCI cơ quan soạn thảo cần "bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự".

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE