Năng lượng nhập từ Nga về 0
Khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, tỷ trọng năng lượng Nga nhập khẩu vào Đức lần lượt là khí đốt tự nhiên: 55%, than đá: 40%, dầu mỏ: 40%. Cuộc xung đột cũng dẫn tới việc khai tử đường ống dẫn khí Nord Stream 2, nối thẳng từ Nga tới Đức qua biển Baltic, vốn được kỳ vọng sẽ mang tới lượng khí đốt khổng lồ cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Và đến năm 2023, về mặt kỹ thuật, các con số trên đều bằng 0: khí đốt tự nhiên: 0%, than đá: 0%, dầu mỏ: 0%. Đây là kết quả khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Nga hoàn toàn có hiệu lực.
May mắn là, Đức đã tìm được các nguồn cung thay thế hiện nay. Ví dụ, Đức có thể nhập khí đốt tự nhiên từ Na Uy, Hà Lan ở Bắc Âu, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Iran ở Trung Đông, thậm chí dầu đá phiến Mỹ cũng có thể được sử dụng thay thế.
Ngày 28/12/2022, Tập đoàn Năng lượng RWE (Đức) thông báo, tập đoàn này và Công ty Cơ sở hạ tầng Sempra (Mỹ) đã ký thỏa thuận mua khí tự nhiên hóa lỏng có thời hạn 15 năm với tổng khối lượng là 2,25 triệu tấn LNG, tương đương khối lượng của 30 tàu LNG/năm.
Mới đây, tờ Handelsblatt (Đức) dẫn lời Bộ trưởng kinh tế và khí hậu Robert Habeck nói rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng của Đức vẫn chưa kết thúc vào năm 2023 nhưng đã trở nên "có thể kiểm soát được" và có thể được khắc phục tốt vào năm 2024.
Ngành công nghiệp Đức bị ảnh hưởng do thiếu nguồn cung năng lượng. Ảnh: Spiegel
"Chúng ta gần như đã vượt qua thách thức quan trọng phát sinh vào năm 2022", ông Habeck nói khi đề cập đến sự thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt.
Với việc các kho chứa đã đầy hơn 90% vào giữa tháng 1, hai kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mới đang hoạt động và kho thứ ba sắp được đưa vào hoạt động, Đức có thể tránh được rủi ro "rất thực tế" về sự "sụp đổ" của ngành công nghiệp.
“Đối với năm 2023 và mùa đông năm 2023/2024, tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều hy vọng rằng các cơ sở lưu trữ vào đầu mùa đông sẽ được lấp đầy và sau đó tình hình sẽ ổn định...".
Tụt hạng đầu tư
Tình trạng thiếu năng lượng càng gây khó khăn cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo nhật báo Đức Augsburger Allgemeine, Đức hiện xếp thứ 18/21 điểm đến đầu tư, tụt bốn bậc trong bảng xếp hạng do viện nghiên cứu kinh tế Đức ZEW đưa ra.
Báo cáo chỉ ra rằng, giá năng lượng tăng và tình trạng thiếu lao động tiếp diễn đã làm kết hợp các vấn đề hiện nay là thuế cao, tốc độ đổi mới chậm v.v... đã khiến thứ hạng của nước Đức bị thay đổi.
Giá xăng tăng cao đã làm rung chuyển ngành công nghiệp Đức và khiến chính phủ phải chi hàng tỷ euro để giúp các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình.
Tuy nhiên, ngay cả với sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp Đức vẫn hạn chế hoạt động hoặc chuyển đến các địa điểm có chi phí năng lượng thấp hơn như Mỹ hay Châu Á.