Định vị thị trường
Phiên giảm điểm của chứng khoán Mỹ trong đêm qua đã có những ảnh hưởng kém tích cực tới các thị trường châu Á như NIKKEI 225 (-2,63%), KOSPI (-0,54%), TWSE (-0,18%), STI (-0,24%).
Điều này cũng phản ánh vào trạng thái của chỉ số VN-Index với phần lớn thời gian giao dịch trong sắc đỏ. Mức đóng cửa của chỉ số cũng gần như thấp nhất phiên giao dịch. Dù vậy, tính chung cả tuần, chỉ số đã tăng điểm nhẹ trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp.
Chất xúc tác
Đầu phiên giao dịch, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10/2024 đã được nhiều nhà đầu tư đón nhận. Theo đó, PMI đạt kết quả 51,2 điểm trong tháng 10/2024, tăng so với 47,3 điểm của tháng 9. Từ đó cho thấy quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của bão Yagi đang diễn ra và sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại dù vẫn còn tình trạng gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và sản xuất.
Ngoài ra, phiên giao dịch hôm nay còn diễn ra sự kiện cơ cấu của các quỹ ETF vận hành theo các chỉ số VNDiamond, VN30 và VNFIN Lead. Đáng chú ý nhất là trường hợp của MWG với dự báo có thể được quỹ FUEVFVND mua trở lại 27,5 triệu cổ phiếu.
Chính những động thái cơ cấu của ETFs đã khiến cho khớp lệnh của HOSE tăng 14,5% lên 537 triệu đơn vị so với phiên hôm qua. Dù vậy, thị trường vẫn chưa thực sự sôi động trở lại khi còn ở dưới mức bình quân 20 phiên.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên HOSE tập trung vào các mã MSN (-253,2 tỷ đồng), VHM (-165 tỷ đồng), KDC (-101 tỷ đồng). Ngược lại, các mã VPB (+195,7 tỷ đồng), TCB (+144 tỷ đồng), MWG (+108 tỷ đồng) lại có tiền vào.
Vận động thị trường
Những cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường ở trong phiên hôm nay là MSN, VCB. Trong đó, MSN (-2,74%) do chịu áp lực bán ròng từ khối ngoại đã đóng cửa trong sắc đỏ. Đồng thời gây sức ép xuyên suốt trong cả phiên giao dịch.
Trái ngược lại, VCB cố gắng giải cứu điểm số với sắc xanh ghi nhận trong phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, các cổ phiếu lớn khác đều không thực sự đồng thuận với những nỗ lực của VCB. Hàng loạt mã khác như ACB (-2%), GVR (-1,8%), MBB (-1,8%), POW (-2,9%), SSI (-1,5%), VPB (-1,5%), HDB (-1,3%), HPG (-1,3%), PLX (-1,2%), FPT (-1%) đều giảm giá.
Điều này đã dẫn đến việc VCB phải từ bỏ hết thành quả trong phiên, đóng cửa giảm 0,1%. Còn chỉ số VN-Index cũng đóng cửa sát mức thấp nhất phiên giao dịch xuống 1.254,89 điểm (-0,76%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 580,5 triệu đơn vị, tương đương 14.790 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu ở nhóm Midcap và Penny đã phải chịu tâm lý chán nản của nhà đầu tư khiến biên độ giảm vượt 2% như: VCI (-2,16%), REE (-3,26%), HAH (-2,05%), CTR (-2,05%), TCH (-2,17%), CMG (-2,5%), HVN (-3,23%), FRT (-2,24%), BFC (-4,15%). Trong đó, không ít trường hợp như HAH, FRT báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 tích cực.
Tính chung lại, toàn HOSE có 66% mã giảm giá trong phiên cuối tuần. Chỉ số VN-Index lại một nữa lùi gần hơn về đường MA200 bất chấp tính chung cả tuần, chỉ số đã tăng điểm nhẹ.
Còn 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa giảm điểm theo, lần lượt giảm 0,42% và 0,45%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.300 tỷ đồng.