Định vị thị trường
Kết quả kinh doanh chưa đáp ứng kỳ vọng của Nvidia đã khiến hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm nhẹ như NIKKEI 225 (-0,85%), TWSE (-0,58%), KOSPI (-0,07%), KLSE (-0,23%), SET (-1,44%), STI (-0,14%).
Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam trong ngày đáo hạn phái sinh tháng 11/2024 đã không đi theo vận động chung. Chỉ số VN-Index đã có phiên hồi phục thứ hai cùng với mức tăng trên 11 điểm.
Chất xúc tác
Vị thế mở của HĐTL VN30F1M trước phiên hôm nay vẫn khá cao, đạt hơn 45 nghìn đơn vị cho thấy có khá nhiều nhà đầu tư giữ các vị thế qua đêm. Tuy nhiên, tần suất giao dịch của hợp đồng VN30F2411 đã có chiều hướng giảm mạnh so với phiên hôm qua cho thấy đã có sự chuyển dịch sang kỳ hạn tháng 12/2024.
Khớp lệnh của hợp đồng đã giảm khoảng 33% xuống 215 nghìn đơn vị. Cùng với đó là nỗ lực tăng điểm theo sát các vận động của chỉ số VN30. VN30F2411 đóng cửa tại 1.281,3 điểm với mức chênh lệch -5,37 điểm.
Trong khi đó, thị trường cơ sở cũng chứng kiến khớp lệnh trên HOSE sụt 34% xuống 427 triệu đơn vị, thể hiện tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư.
Nhóm nhà đầu tư ngoại dù vẫn bán ròng nhưng đã cắt đứt mạch bán ròng trên 1.000 tỷ đồng nhiều phiên. Tổng giá trị bán ròng của HOSE đạt 870 tỷ đồng trong đó VHM (-585 tỷ đồng), SSI (-130 tỷ đồng), HPG (-117 tỷ đồng), MWG (-105 tỷ đồng) đứng đầu về quy mô.
Theo ghi nhận, giá bán USD trên thị trường tự do đã vươn lên mức 25.850 VND/USD. Trong khi, lãi suất liên ngân hàng đang được giao dịch trên mức 4% sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng vào hệ thống.
Trong ngày hôm qua, NHNN đã quay lại hút ròng 13.299,93 tỷ đồng khỏi thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 77.999,85 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 21.000 tỷ đồng tín phiếu lưu hành.
Vận động thị trường
Thị trường đã trải qua phiên sáng giao dịch ảm đạm với giá trị giao dịch chỉ hơn 3.000 tỷ đồng cùng với điểm số lình xình. Tuy nhiên, sự sôi động đã được cải thiện hơn trong phiên chiều với việc có thêm khoảng 9.000 tỷ đồng.
Các cổ phiếu VN30 đã được khuấy động tốt hơn với 24/30 mã tăng giá. Trong đó, các mã MWG (+3,3%), CTG (+2,9%), VPB (+2,7%), STB (+2%) tăng trên 2%.
Sắc xanh đã được mở rộng rõ rệt với 61,4% mã tăng giá khi đóng cửa. Các mã Chứng khoán tiếp tục có sự hồi phục nhẹ với AGR (+2,1%), ORS (+1,5%), HCM (+1,3%), FTS (+1,3%), SSI (+1,2%) tăng trên 1%.
Các cổ phiếu Bất động sản, Hàng không, Viễn thông, Phân bón, Cảng biển, Thủy sản cũng có nhiều mã tăng trên 2% như DXG (+6,38%), GEX (+3,7%), HVN (+3,91%), VTP (+6,98%), DCM (+2,19%), DPM (+3,11%), GMD (+2,04%), VOS (+2,37%), VHC (+2,13%) trong đó VTP thậm chí đã tăng trần.
Chốt phiên, VN-Index tăng 11,79 điểm lên 1.228,33 điểm (+0,97%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 482,14 triệu đơn vị, tương đương 12.178 tỷ đồng.
Còn HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 0,21% và 0,45%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng.