Định vị thị trường
Các chỉ số chứng khoán châu Á xuất hiện sắc xanh tại nhiều thị trường trong phiên 22/01 như NIKKEI 225 (+1,58%), TWSE (+0,97%), KOSPI (+1,15%), KLSE (+0,52%), SET (+0,49%).
Tuy nhiên, VN-Index vẫn còn đang khá "loanh quanh" về mặt xu hướng giao dịch với việc tiếp tục ở dưới đường xu hướng dài hạn (SMA200). Chỉ số thậm chí còn gặp những cản trở trong vận động khi bị nhiều cổ phiếu lớn kéo xuống mức thấp nhất phiên.
Chất xúc tác
Sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump, vận động của tỷ giá phần nào đang "dễ thở" hơn với nền kinh tế cũng như cơ quan quản lý. Chỉ số DXY dù chưa suy yếu rõ rệt nhưng đã hạ nhiệt xuống gần 108 điểm. Qua đó, giúp cho giá bán USD trên thị trường tự do đã xuống còn 25.600 VND/USD.
Được biết, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng 20.355,19 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 69,255,19 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 51,950.00 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Lãi suất liên ngân hàng qua đó đã hạ xuống dưới 4% ở kỳ hạn qua đêm. Trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng đang ở dưới 5%.
Về hoạt động của khối ngoại, chuỗi bán ròng đã bước sang phiên thứ 12 liên tiếp với quy mô rút ra đạt gần 250 tỷ đồng. Một số cổ phiếu như FPT (-56,12 tỷ đồng), GMD (-47,82 tỷ đồng), FRT (-46,52 tỷ đồng), VPB (-42,53 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất trong khi LPB (+87,17 tỷ đồng), HDB (+30 tỷ đồng), CTR (+26,35 tỷ đồng) lại có lực mua vào.
Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã được thu hẹp xuống còn 8,41% trong 2 chiều mua/bán. Điều này cho thấy tiền nội đã có chiều hướng đẩy mạnh giao dịch hơn, đồng thời đã giúp cho thanh khoản của HOSE cải thiện nhẹ. Khớp lệnh của HOSE đã tăng so với phiên hôm qua thêm 5,5% lên 400 triệu đơn vị.
Vận động thị trường
Dòng tiền cải thiện nhẹ nhưng cũng không thật sự dư dả để giúp xóa đi tình trạng phân hóa trong vận động của các cổ phiếu. Một số mã như CTR (+5,69%), LPB (+4,71%), VTP (+5,26%), FRT (+2,44%), NLG (+2,28%), CTI (+2,13%) đã tăng giá khá tốt trong đó CTR và LPB còn đứng trong Top 10 thanh khoản của HOSE.
Được biết, CTR đã công bố chốt quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2025. Công ty cũng dự kiến kế hoạch tăng trưởng doanh thu hợp 10,3% trong khi lợi nhuận trước thuế được đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% lên trên 720 tỷ đồng.
Còn với LPB, cổ phiếu vừa chính thức được thêm vào VN30 thay thế cho POW. Theo tính toán mới nhất từ Chứng khoán SSI, 4 ETF đang sử dụng chỉ số VN30 làm tham chiếu sẽ mua vào khoảng 18,3 triệu cổ phiếu LPB. Hạn cuối để thực hiện tái cơ cấu danh mục là ngày 24/1/2025.
Trong khi đó, số lượng mã giảm trên HOSE lại lấn lướt với 311 mã, chiếm hơn 60% các cổ phiếu của sàn. Thực tế, ngay chính tại VN30, còn có tới 80% mã giảm giá. Các cổ phiếu HDB (-2,9%), BVH (-2,25%), BCM (-1,9%), PLX (-1,8%), VRE (-1,8%), GVR (-1,4%), VHM (-1,3%) gây ra nhiều áp lực nhất lên chỉ số VN30 về cuối phiên.
Hệ quả, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất phiên giao dịch, giảm 3,56 điểm (-0,29%) xuống 1.242,53 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 508,85 triệu đơn vị, tương đương 12.031 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dòng tiền có lẽ vẫn chưa thực sự nghỉ ngơi trên UPCoM khi còn có những cổ phiếu như VGI (+3,5%), FOX (+2,4%), CLX (+3,6%), VTK (+7%), PHP (+5,8%), FOC (+2,9%), SAS (+14,9%), TOS (+15%) có những lực kéo lên vượt trội. Chỉ số UPCoM-Index đã tạo ra sự khác biệt với việc tăng 0,26% lên 93,08 điểm. Giá trị giao dịch đạt hơn 800 tỷ đồng.
Trong khi, HNX-Index vẫn còn chịu sự lấn lướt của sắc đỏ, giảm 0,45% xuống 220,67 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn HNX đạt hơn 1.200 tỷ đồng.