Định vị thị trường
Lo ngại về triển vọng nền kinh tế Mỹ đã khiến các thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong phiên ngày thứ Tư. Các chỉ số NIKKEI 225 (-4,24%), TWSE (-4,52%), KOSPI (-3,15%) đều giảm điểm mạnh.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị gián đoạn 2 phiên do vừa trải qua kỳ nghỉ lễ. Sau khi thị trường hoạt động trở lại, những vận động từ khu vực ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Chỉ số VN-Index đã có nhiều thời điểm mất trên 10 điểm và chỉ được thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhờ nỗ lực của một số cổ phiếu lớn.
Chất xúc tác
Thời điểm hoạt động trở lại của thị trường cũng trùng hợp với số liệu Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) tháng 8 được công bố. Theo đó, chỉ số PMI đạt 52,4 điểm trong tháng 8, giảm so với mức 54,7 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh.
Trong khi đó, các biến số lãi suất và tỷ giá trong giai đoạn trước và sau nghỉ lễ chưa tạo ra sự bất lợi cho thị trường. Lãi suất liên ngân hàng chốt ngày 30/8 ở mức 4,47% tại kỳ hạn qua đêm. Trong khi đó, tỷ giá tự do cũng mới nhích tăng lên gần 25.400 đồng VND/USD.
Được biết, Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) đã bơm ròng 36.664 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua bằng kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 50.311,91 tỷ, khối lượng tín phiếu lưu hành ở mức 21.999,7 tỷ đồng.
Dù vậy, khối ngoại lại có hoạt động bán ròng mạnh tay trong phiên đầu tháng 9 với giá trị ròng -773 tỷ đồng trên HOSE. Một số mã như DGC (-142 tỷ đồng), HPG (-108 tỷ đồng), VPB (-103 tỷ đồng), FPT (-80 tỷ đồng), MSN (-70,2 tỷ đồng), HSG (-53 tỷ đồng) bị bán ra mạnh nhất trong khi PDR (+49,3 tỷ đồng), VNM (+47,5 tỷ đồng) vẫn được mua vào.
Vận động thị trường
Tác động bất lợi từ khu vực đã khiến cho VN-Index giảm điểm ngay từ đầu phiên giao dịch. Trong phiên chỉ số cũng đã có những thời điểm giảm hơn 10 điểm.
Nếu như không có những nỗ lực kéo lên mạnh tại các cổ phiếu VHM (+2,4%), VRE (+2,6%), chỉ số có thể đã không thu hẹp được biên độ giảm. Chốt phiên, VN-Index chỉ còn giảm 8,07 điểm xuống 1.275,8 điểm (-0,63%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 15.718 tỷ đồng, tương đương 648,4 triệu đơn vị.
Ngoài cặp đôi VHM, VRE, thị trường không thực sự nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các cổ phiếu lớn khác. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng khi phần lớn các cổ phiếu đều đóng cửa trong sắc đỏ. Các mã VPB (-2,4%), MBB (-1,8%), HDB (-2,2%), TCB (-1,5%), SHB (-1,4%), STB (-1,5%), SSB (-3,6%) đều giảm giá nhiều trong khi một số mã như CTG (+0,7%), BID (+0,1%) tăng không đáng kể.
Đây là những diễn biến có phần trái ngược so với trước nghỉ lễ bởi Ngân hàng vẫn có những cổ phiếu nỗ lực khuấy động thị trường trong tuần trước nhờ thông tin NHNN "nhường" room cho vay với các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo vào đầu năm 2024.
Thực tế, trong phiên hôm nay, các cổ phiếu Đầu tư công và Bất động sản đã cố gắng tạo điểm nhấn trên thị trường với một loạt các mã HHV (+6%), FCN (+4%), LCG (+3,3%), VCG (+2,7%), KSB (+1,6%), HBC (+5,2%), PDR (+3,9%), NLG (+2,4%), DPG (+2,1%), DXG (+1,3%) nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt. Bên cạnh đó là một số mã Penny tăng trần như HAX, MDG, SAV.
Số lượng mã giảm vẫn lấn lướt trên toàn HOSE với 65,34% cho thấy số đông nhà đầu tư chưa có tâm lý tích cực. Điều tương tự cũng xảy ra với HNX và UPCoM khi cả 2 chỉ số giảm lần 0,6% và 0,44%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 1.600 tỷ đồng.