Định vị thị trường
Nhiều chỉ số chứng khoán châu Á đã quay đầu giảm điểm trở lại như NIKKEI 225 (-1,83%), TWSE (-1,21%), KOSPI (-0,88%) trong khi thị trường Trung Quốc ghi nhận sự trái chiều của các chỉ số SHCMP (+0,05%), SZI (-1,01%).
Còn chứng khoán Việt Nam tiếp tục những vận động gây căng thẳng cho nhà đầu tư với đối kháng của nhóm cổ phiếu Bluechips trước ngày đáo hạn phái sinh tháng 10/2024. Đóng cửa phiên, chỉ số VN-Index đã hạ độ cao xuống ngay dưới đường MA20.
Chất xúc tác
Khớp lệnh của HOSE đã sụt giảm gần 29% xuống 482 triệu đơn vị, cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng cao độ trong các hành động giao dịch. Ngay cả dòng tiền ngoại cũng hạn chế tần suất giao dịch khi tỷ trọng giao dịch của khối này vẫn chỉ chiếm dưới 10% trong giao dịch 2 chiều.
Theo thống kê, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị rút ròng đạt hơn 360 tỷ đồng tập trung vào các mã FPT (-70 tỷ đồng), HDB (-62 tỷ đồng), VHM (-48,5 tỷ đồng), DBC (-45,55 tỷ đồng), VCB (-37,3 tỷ đồng) trong khi mua vào STB (+67,8 tỷ đồng), MWG (+48,82 tỷ đồng).
Hiện tỷ giá trong nước chưa xuất hiện những biến động mới khi giá USD trên thị trường tự do vẫn đang được chào bán tại 25.360 VND/USD. Còn thị trường tiền tệ cũng không có những động thái bơm/rút của Ngân hàng Nhà Nước. Trong ngày hôm qua, không có giao dịch trên cả kênh cầm cố và tín phiếu. Thị trường mở tiếp tục không còn khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố, không có tín phiếu lưu hành.
Vận động thị trường
Dao động của chỉ số VN-Index thực tế là khá hẹp do sự chú ý của nhà đầu tư vẫn đang dành hết cho các cổ phiếu lớn. Rổ VN30 tiếp tục chiếm hơn 50% giá trị giao dịch của toàn HOSE.
Tuy nhiên, nếu trông đợi vào sự định hướng của nhóm cổ phiếu lớn, nhà đầu tư vẫn đang phải thất vọng với những diễn biến trong phiên. Sắc đỏ đã xuất hiện ở 18/30 mã với phần lớn các cổ phiếu đều giảm không đáng kể ngoại trừ một số trường hợp như SSB (-4%), PLX (-2,3%) giảm trên 2%.
Một số mã như MWG (+1,7%), SAB (+1,2%), GVR (+1%), VNM (+1%), VHM (+0,8%) đã đối kháng lại những áp lực giảm nhưng cũng chưa thể triệt tiêu hết số điểm thất thoát. Trong phiên chiều, chỉ số VN-Index đã có lúc giảm xuống 1.276 điểm và được gỡ điểm về cuối phiên.
Dù vậy, VN-Index đang rơi vào trạng thái nhạy cảm khi đóng cửa ngay dưới đường MA20. Chốt phiên, VN-Index mất 1,6 điểm xuống 1.279,48 điểm (-0,12%). Tổng giá trị giao dịch đạt 13.312 tỷ đồng, tương đương 536 triệu đơn vị.
Hiệu ứng nhóm ngành xuất hiện không rõ ràng nhưng các cổ phiếu Bán lẻ lại có những hy vọng "le lói" theo sau sự dẫn dắt của MWG. Các mã DGW (+2,1%), PET (+7%), PNJ (+0,5%) đã đóng cửa trong sắc xanh trong đó PET tăng trần.
Trong khi đó, nhóm Chứng khoán sau phiên đồng loạt đóng cửa thấp nhất phiên đã nhen nhóm sự tích cực ở một số mã như ORS (+2,9%) và BVS (+2%) trên HNX.
Ở sàn còn lại, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa phiên trái chiều nhau, lần lượt giảm 0,3% và tăng 0,17%. Đáng chú ý nhất là trường hợp của MCH (+6,4%) trên UPCoM.
Được biết, HĐQT của MCH đã thông qua chào bán 326,8 triệu cổ phiếu để thu về tổng số tiền dự kiến là 3.268 tỷ đồng.