Định vị thị trường
Các chỉ số chứng khoán châu Á tiếp tục giao dịch trong biên độ hẹp trước sự kiện của Chủ tịch Fed tại Jackson Hole. Các thị trường có được sắc xanh bao gồm NIIKEI 225 (+0,4%), TWSE (+0,04%), SHCMP (+0,2%) trong khi KOSPI (-0,22%), KLSE (-0,38%) xuất hiện ở chiều ngược lại.
VN-Index cũng nối lại đà tăng dang dở đã tạm thời gián đoạn trong phiên hôm qua. Chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây.
Chất xúc tác
Thanh khoản trên HOSE đã khôi phục sau phiên giao dịch thận trọng. So với phiên hôm qua, khớp lệnh đã tăng 3,7% vượt qua mức bình quân 20 phiên gần nhất, đạt 635 triệu đơn vị.
Sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài suy giảm theo, xuống còn 9,3% trong tổng giao dịch 2 chiều. Đồng thời, khối này cũng thu hẹp quy mô bán ròng xuống còn hơn 70 tỷ đồng.
Các mã FPT (+122 tỷ đồng), CTG (+61,34 tỷ đồng), STB (+55,6 tỷ đồng) vẫn nhận được tiền ngoại trong khi HPG (-137 tỷ đồng), VHM (-53,6 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất.
Các biến động tỷ giá đang không ủng hộ hoạt động rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam. Tỷ giá USD đã có chiều hướng xuống mức 25.000 VND/USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đan xen các phiên bơm/rút trên thị trường mở. Phiên hôm qua, NHNN hút ròng 2.802,61 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 35.372,23 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 45.049,9 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Sau các phiên tăng liên tục, đã xuất hiện một phiên nghỉ ngơi trong ngày hôm qua. Tuy nhiên, những áp lực bán ra của nhà đầu tư cũng không qua căng thẳng. Sau khi dành phần lớn thời gian giao dịch cả phiên trong sắc đỏ, VN-Index vẫn kịp thời quay đầu về cuối phiên.
Yếu tố dẫn dắt được thể hiện rõ trong thành tích tăng điểm của VN30 (+0,2%) và VN-Index (+0,2%). Các mã tăng tốt nhất trong VN30 bao gồm BVH (+3,3%), GVR (+1,9%), SSI (+1,5%), HPG (+1,2%), CTG (+1%) đã đủ sức kéo đảo chiều về cuối phiên.
Thực tế, các mã gây áp lực lớn nhất trong rổ VN30 cũng không cho thấy biểu hiện tiêu cực nào, biên độ của các mã VRE, TPB, FPT, POW đều ở dưới mức 1%.
Hiệu ứng về thanh khoản xuất hiện theo nhóm ngành cũng được ghi nhận với các nhóm Chứng khoán, Ngân hàng, Bất động sản.
Tại nhóm Chứng khoán, HCM (+2,7%) đứng đầu về giá trị giao dịch trên toàn HOSE trong khi SSI (+1,51%) đứng thứ 2, lần lượt là 600 tỷ đồng và 532 tỷ đồng. Cùng với đó FTS (+1,5%), VCI (+0,3%) cũng đạt quy mô giao dịch trên 100 tỷ đồng cho thấy sự quan tâm dòng tiền.
Nhóm Ngân hàng, Bất động sản cùng ghi nhận nhiều mã giao dịch trên 200 tỷ đồng như VPB (0%), NVL (+2,33%), DXG (+0,63%), PDR (+0,93%), TCB (+0,22%).
Sau những động thái chốt lời của nhà đầu tư bắt đáy, bức tranh thị trường là không quá mất cân bằng. Độ rộng của HOSE đạt 36,61% mã tăng so với 44% mã giảm giá. Hầu hết các cổ phiếu đóng cửa trong sắc đỏ chỉ giảm dưới 1% ngoại trừ một số trường hợp cá biệt của APH (-6,95%), BFC (-3,23%).
Ngay sau phiên chững lại, đà tăng của thị trường đã được nối lại với việc VN-Index đóng cửa cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây. Chỉ số chốt phiên tăng 2,54 điểm lên 1.285,32 điểm (+0,2%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 724,87 triệu đơn vị, tương đương 16.839 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index biến động trái chiều nhau, lần lượt tăng 0,67% và giảm 0,09%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.000 tỷ đồng trong đó, SHS (+170 tỷ đồng), BSR (169 tỷ đồng), CEO (139 tỷ đồng) là những mã có nhiều thanh khoản nhất.