Định vị thị trường
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều giảm điểm trong phiên đầu năm 2025. Cá biệt nhất là thị trường Trung Quốc với SHCMP (-2,66%), SZI (-3,14%), HSI (-2,34%) do lo ngại các chính sách thuế quan có thể áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ khi Tổng thống Trump chính thức nhận chức.
Trong khi đó, các chỉ số KOSPI (-0,02%), NIKKEI 225 (-0,96%), TWSE (-0,88%) cùng giảm điểm nhẹ. Dù vậy, những biến động từ khu vực này chỉ gây ra rung lắc nhẹ với thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ số VN-Index đã tăng lên gần 1.270 điểm trong phiên đầu năm 2025.
Chất xúc tác
Thông tin vĩ mô đáng chú ý nhất ngay đầu năm là số liệu PMI của Việt Nam đã xuống 49,8 điểm trong tháng 12/2024. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng qua cho thấy niềm tin kinh doanh có phần suy yếu.
Theo ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, một phần phản ánh tình trạng không chắc chắn liên quan đến những kế hoạch sắp tới của chính quyền Mỹ về thuế quan. Những sự kiện trong năm mới sẽ giúp làm sáng tỏ bất kỳ ảnh hưởng tiềm năng nào lên các nhà sản xuất của Việt Nam.
Trong khi đó, các biến số về lãi suất và tỷ giá vẫn đang được cơ quan quản lý điều tiết khá tốt trong giai đoạn cuối năm vừa qua. Lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm ở mức 4,08% còn giá bán USD trên thị trường tự do đã giảm xuống 25.800 VND/USD.
Trong ngày cuối cùng của năm 2024, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 13.989,01 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch có 86.988,92 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 50.780 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang khó khăn về dòng tiền. Khớp lệnh của HOSE đang có 3 phiên liên tiếp sụt giảm, chỉ đạt hơn 350 triệu đơn vị.
Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng hơn 90 tỷ đồng trên HOSE với FPT (-222 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất. Dù vậy, các mã HPG (+52 tỷ đồng), MSN (+45,8 tỷ đồng), VGC (+43 tỷ đồng), VTP (+32 tỷ đồng) vẫn được giải ngân khá tốt.
Vận động thị trường
Thị trường đã trải qua nhịp rung lắc nhẹ diễn ra cuối phiên cho tới đầu phiên chiều. Các mã Ngân hàng, đặc biệt là nhóm liên tục vượt đỉnh cuối năm 2024 đã gặp lực bán ra khá lớn. Tuy nhiên, mã HDB (-1,6%) đã thu hẹp lại đà giảm, LPB (0%) và STB (+0,3%), CTG (+0,8%) còn kịp đảo chiều.
Trong khi đó, các mã Ngân hàng lớn cùng một số Bluechips như BID (+1,7%), PLX (+1,7%), BVH (+1,6%), HPG (+1,3%), MSN (+1,1%) đã làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường.
Chỉ số VN-Index tăng 2,93 điểm lên 1.269,71 điểm (+0,23%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 10.752,08 tỷ đồng, tương đương 428,12 triệu đơn vị.
Hiệu ứng dòng tiền tìm đến các cổ phiếu "ngách" cũng được nhen nhóm trở lại, thể hiện qua đà tăng của VTP (+5,19%), VGC (+4,56%), CSV (+2,06%), TNH (+3,54%) trên HOSE. Còn với HNX và UPCoM là các mã DST (+8,93%), LIG (+10%), VTV (+9,38%), HNG (+14,75%), HBC (+4,84%).
Tuy nhiên, dòng tiền trên HNX và UPCoM cũng không thực sự dồi dào với tổng giá trị giao dịch chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index tăng 0,11% trong khi UPCoM-Index giảm 0,01%.