Thị trường "tươi mới" hơn ở phiên thứ 6 khối ngoại mua ròng

Nhà đầu tư nước ngoài đang có chuỗi 6 phiên liên tiếp giải ngân vào thị trường. Nhưng phải đến hôm nay, thị trường mới cho thấy sự hứng khởi trong tâm lý giao dịch, qua đó khép lại tuần tăng điểm thứ 2 của VN-Index.

Thị trường

Định vị thị trường

Biến động từ các thị trường chứng khoán châu Á chưa có thêm những dấu hiệu mới. Bức tranh chung của khu vực tiếp tục đan xen 2 sắc màu. Trong khi, các chỉ số SHCMP (+0,93%), NIFTY 50 (+0,85%), KLSE (+0,21%), SET (+0,16%) cùng có được sắc xanh thì NIKKEI 225 (-0,37%), KOSPI (-1,95%), TWSE (-0,16%) cùng giảm điểm trong đó KOSPI rơi sâu bất chấp việc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) vừa có lần cắt giảm lãi suất thứ 2 trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Chỉ số VN-Index vẫn có được sắc xanh ở phiên cuối tuần và thậm chí còn đóng cửa gần sát mức cao nhất phiên. Với điểm số chốt tuần là 1.250,46 điểm, chỉ số đã tăng 1,82% trong cả tuần và có tuần hồi phục thứ 2 liên tiếp.

Chất xúc tác

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là tâm điểm của sự chú ý, đặc biệt sau khi chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mốc 106 điểm, cho thấy những tín hiệu hạ nhiệt của đồng USD.

Dòng tiền ngoại đã tiếp tục đổ vào thị trường phiên thứ 6 liên tiếp với giá trị ròng hơn 300 tỷ đồng trên HOSE.

Ngoài cổ phiếu FPT (+237 tỷ đồng) vẫn được khối ngoại ưu ái, các mã MSN (+88 tỷ đồng), HPG (+73 tỷ đồng), CTR (+64 tỷ đồng), PNJ (+54 tỷ đồng), MWG (+39 tỷ đồng) cũng thu hút được tiền. Tính chung lại, khối ngoại đã đóng góp tỷ trọng 12,12% trong giao dịch 2 chiều trên HOSE.

Thị trường "tươi mới" hơn ở phiên thứ 6 có tiền ngoại
Khối ngoại giải ngân sang phiên thứ 6 liên tiếp.

Xét về thanh khoản, khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 2 gia tăng về quy mô khớp lệnh. So với phiên hôm qua, khớp lệnh của sàn đã tăng 3,14% lên 427 triệu đơn vị nhưng vẫn còn thấp hơn so với mức bình quân 20 phiên gần nhất.

Quảng cáo

Còn thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có dấu hiệu khởi sắc thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng đã xuống dưới 4% ở nhiều kỳ hạn. Kỳ hạn qua đêm hiện đã giảm về 3,13%.

Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tạm dừng các hoạt động bơm ròng. Ngày hôm qua, NHNN hút ròng 100 tỷ đồng từ thị trường qua kênh thị trường mở. Trạng thái giao dịch hiện có 77.999,85 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố và 15.600 tỷ đồng tín phiếu lưu hành.

Vận động thị trường

Bên cạnh câu chuyện hạ nhiệt của tỷ giá, nhóm cổ phiếu Bảo hiểm và Dược phẩm còn xuất hiện thông tin hỗ trợ sau khi Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi. Nhờ đó, hàng loạt mã đã có sức bật tốt từ ngay phiên sáng. Chốt phiên, BVH, DBD và MIG đã tăng kịch trần sau khi giao dịch lần lượt 91 tỷ đồng, 63 tỷ đồng và 23,5 tỷ đồng.

Còn các mã cùng ngành như BIC (+5,3%), BMI (+4,4%) và PTI (+4,3%), PVI (+2,7%), VNR (+3,1%) trên HNX đều có mức tăng vượt trội so với thị trường chung.

Trong khi đó, FPT (+3,52%) có lần lập kỷ lục mới còn MSN (+1,1%), HPG (+1,33%), CTR (+1,62%) cũng đều tích cực khi có sự tham gia của tiền ngoại.

Những tín hiệu kể trên đã giúp thị trường trở nên sinh động hơn sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm. Đồng thời hỗ trợ các cổ phiếu ở nhóm Dệt May, Chứng khoán, Công nghệ, Bán lẻ, Viễn thông lấy lại được sự tự tin: TCM (+2,87%), GIL (+3,93%), CMG (+4,41%), DGW (+5,1%), VTP (+2,33%) đều tăng khá ấn tượng.

Sắc xanh đã xuất hiện ở 48,6% mã so với 32,17% mã giảm. Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng lên gần sát mức cao nhất phiên là 1.250,46 điểm (+0,67%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 13.497 tỷ đồng tương đương 502,7 triệu đơn vị.

Tính chung cả tuần, VN-Index đã tăng hơn 22 điểm tương đương 1,82%. Qua đó, thị trường đã có 2 tuần hồi phục.

Sắc xanh cũng xuất hiện ở 2 chỉ số còn lại với HNX-Index (+0,48%) và UPCoM-Index (+0,43%). Tính chung cả tuần, HNX-Index tăng được 1,51% còn UPCoM-Index tăng 1,13%.

Theo Thời đại Sao chép

Cùng chuyên mục Chứng khoán

Xung đột tại Trung Đông sẽ tác động thế nào tới chứng khoán Việt Nam?

"Sự sụt giảm ban đầu sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư trung, dài hạn mua vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và có kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng”, báo cáo chỉ rõ.

Chứng khoán thế giới: Một tuần nhiều biến động Chứng khoán VNDIRECT sắp chi hơn 760 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt

'Kỳ lân' công nghệ VNG muốn đổi tên, dự kiến lỗ 620 tỷ đồng năm 2025

Sau 4 năm thua lỗ liên tiếp, năm 2025 công ty dự kiến lỗ sau thuế 620 tỷ đồng, giảm 47% so với khoản lỗ của năm 2024. Trong quý 1/2025, VNG tiếp tục báo lỗ sau thuế 14,9 tỷ đồng.

‘Đốt’ hết 500 tỷ đầu tư, VNG rút người, 'chia tay' công ty liên kết Tiki VNG cho nhân viên mua cổ phiếu giá bằng 1/10 thị giá