Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo thêm 3 cổ phiếu ASG, FRT và SIP vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Trong đó, cổ phiếu ASG của CTCP Tập đoàn ASG không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm. 6 tháng năm 2023, ASG ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 2,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 99,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng bị cắt margin với lý do tương tự là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm. 6 tháng đầu năm, FPT Retail ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là âm 223,68 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 211,3 tỷ đồng.
Theo giải trình, FPT Retail cho biết mặc dù trong 6 tháng đầu năm, công ty con là CTCP Dược phẩm Long Châu mở mới 565 cửa hàng so với cuối quý 2/2022, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn công ty nhưng lợi nhuận của Long Châu hiện tại chưa đủ lớn để bù đắp phần lỗ đến từ mảng ICT của công ty mẹ, dẫn đến lợi nhuận hợp nhất toàn công ty bị lỗ.
Trong khi đó, cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG không được cấp margin do thời gian niêm yết dưới 6 tháng. Cổ phiếu này mới chào sàn HoSE ngày 8/8 sau khi huỷ đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Trước đó vào đầu tháng 7, HoSE đã công bố danh sách 76 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 3/2023. Đây chủ yếu là những cổ phiếu quen thuộc nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như ABS, APC, AST, BCE, CIG, DXV, EVG, FDC, GMC, HVN, ITA, LDG, OGC, POM, PPC, PVP, SCD, SJF, TDH, TGG, TTF, VCA, VNL,...
Các cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình, HPX của Hải Phát, IBC của Apax Holdings… đang trong diện hạn chế giao dịch của HoSE cũng không thể giao dịch ký quỹ. Trong khi đó, bộ đôi HAG của HAGL và HNG của HAGL Agrico cùng cổ phiếu NVL của Novaland cũng tiếp tục bị cắt margin quý 3 do trong diện cảnh báo/kiểm soát của HoSE.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh trong năm 2022 “bết bát” cũng là nguyên nhân khiến nhiều mã cổ phiếu bị cắt margin trong quý 3, có thể kể tới như SMC, NKG, PSH, PVD, HAR, APH, DTL, HII, HSG, ,… Các trường hợp này đều có lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán là số âm.
Ngoài ra, danh sách bị cắt margin quý 3 còn một loạt chứng chỉ quỹ do giá trị tài sản ròng (NAV) tính trên một đơn vị chứng chỉ quỹ nhỏ hơn mệnh giá căn cứ trên báo cáo thay đổi giá trị tài sản ròng hàng tháng xét trong 3 tháng liên tiếp (FUEKIV30, FUEKIVFS, FUEIP100, FUEDCMID, FUCVREIT, FUCTVGF3) hay chứng chỉ quỹ mới niêm yết như FUEMAVND, FUEFCV50.