Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, từ đầu năm đến ngày 15/5/2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,347 tỷ USD, trong đó, sản phẩm gỗ đạt 2,9 tỷ USD.
So với cùng kỳ năm ngoái kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 29%, riêng sản phẩm gỗ giảm 36,34%. Kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh cho thấy ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Ngành gỗ có lớn đến cỡ nào cũng chẳng thấm tháp gì so với nhu cầu thị trường 5 tỷ người tiêu dùng
Tuy nhiên, Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, đầu ra cho sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đang rất rộng mở, vì Việt Nam đã có 16 FTA thế hệ mới (bao gồm EVFTA) với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó rất nhiều các nền kinh tế lớn với hơn 5 tỷ người tiêu dùng, cho nên các hiệp hội gỗ Việt Nam dù có lớn đến cỡ nào thì sản phẩm của Việt Nam cũng chẳng thấm tháp gì so với thị trường 5 tỷ người này.
“Vấn đề quan trọng là cách tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu để phát triển sản xuất trong nước và phát triển thị trường xuất khẩu mới là quan trọng”, ông Diên nhấn mạnh.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực đã tạo điều kiện cho mặt hàng gỗ nội thất xuất khẩu tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường EU, với hơn 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0%, tạo khả năng cạnh tranh rất lớn tại thị trường này, và tạo cho doanh nghiệp ngành gỗ môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, dịch vụ, tăng đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ, đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh những lợi thế do EVFTA mang lại thì những quy tắc xuất xứ, các quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại ... cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề nguồn gốc nguyên liệu, các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang EU phải có lý lịch rõ ràng.
Đây chính là một trong những điều kiện tiên quyết mà EU đặt ra cho đồ gỗ nội thất Việt Nam. Do vậy, doanh nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu rất cần có nguồn cung nguyên liệu không chỉ dồi dào mà nguồn gốc phải rõ ràng minh bạch, nhất là không làm giảm diện tích rừng như quy định của EU.
Đối với vấn đề nguồn nguyên liệu gỗ ông Diên cho biết, gần đây Bộ Công thương và các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đã làm việc với Bộ đối tác các nước ngoài và bạn đã gợi mở là họ “sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để khai thác và chế biến các sản phẩm gỗ từ rừng, như Nam Phi, Timor Leste (không phải là một nước lớn nhưng họ sở hữu rừng tự nhiên và rừng trồng rất lớn) và Indonesia.
“Đây là những nước đã gợi ý với chúng ta, vì vậy tôi xin nhắc để có nguồn nguyên liệu dồi dào, hợp pháp và để có được cơ hội phát triển trong tương lai thì các hiệp hội và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nên tìm các đối tác vừa nêu.
Để tiếp cận được các đối tác cụ thể này hiệp hội cần thông qua các vụ thị trường ở ngoài nước, như: Vụ thị trường châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ… họ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác nguồn nguyên liệu, đồng thời khai thác phát triển các thị trường để bán được sản phẩm của mình ra bên ngoài.”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.
Xuất khẩu gỗ vào thị trường EU có bị EUDR chi phối?
Mặt khác, xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường EU cũng đang đối mặt với quy định mới về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR), áp dụng đối với tất cả các nhóm mặt hàng như gỗ, cà phê, cao su, dầu cọ, thịt bò, đậu tương … và các sản phẩm được chế biến từ các nhóm này nhập khẩu vào thị trường EU khiến các cơ quan liên quan tỏ ra quan ngại.
Gần đây, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công thương cũng đã lên tiếng cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng trên vào thị trường EU cần nhanh chóng triển khai các vấn đề liên quan đến các quy định mới của EU, vì thời hạn EUDR có hiệu lực là cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025, không còn nhiều.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt
Song, theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt, EUDR sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành gỗ của Việt Nam, bởi các lý do:
Thứ nhất, nếu rừng trồng trên diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá kể từ sau ngày 31/12/2020 sẽ bị EUDR chi phối.
“Việt Nam có phá rừng nhưng đã xảy ra từ thập niên 90 của thế kỷ trước, lúc đó chính phủ giao đất rừng cho người dân quản lý theo Chương trình 327, khi đó người dân còn nghèo không có điều kiện về tài chính và khoa học kỹ thuật để vừa khai thác vừa bảo vệ rừng, nên họ chặt phá rừng và sau này trồng lại rừng keo.
Quy định này nhằm ngăn chặn chặt phá rừng và làm suy thoái rừng trong tương lai còn đối với đất rừng đã bị phá vào thập niên 90 của thế kỷ trước thì không bị chi phối”, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt nói.
Thứ hai, ngành chế biến gỗ Việt Nam sử dụng khoảng 30% nguồn nguyên liệu gỗ từ nhập khẩu từ Hoa Kỳ, châu Âu và Canada. Đây là nguồn gỗ hợp pháp.
Thứ ba, nước nguồn nguyên liệu trong nước bao gồm gỗ tràm, gỗ keo và gỗ cao su chiếm khoảng 70% phần lớn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên không bị ảnh hưởng.
“Hiện nay gỗ keo đã có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) và Công ty Lâm Việt đang mua gỗ keo, giá tỵ từ Công ty Cổ phần La Ngà và đều có giấy chứng nhận của FSC nên sản phẩm của công ty không bị vướng bởi các quy định mới của EU”, ông Liêm chia sẻ.